Tương lai việc làm

Việc làm Thoả đáng và Các Mục tiêu Phát triển Bền vững tại Việt Nam – Báo cáo Quốc gia

Ấn phẩm này là kết quả của sự hợp tác giữa Vụ Thống kê của ILO và Văn phòng Quốc gia ILO tại Việt Nam. Mục tiêu của Báo cáo là phân tích xu hướng thị trường lao động quốc gia thông qua lăng kính của các chỉ tiêu thị trường lao động và Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) quốc tế.

Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc (UN) được thông qua năm 2015 phản ánh cách tiếp cận toàn diện và tổng hợp về phát triển toàn cầu, áp dụng cho tất cả các quốc gia ở bất kỳ trình độ phát triển kinh tế nào cam kết theo đuổi nguyên tắc chính là không bỏ ai lại phía sau. Cốt lõi của mô hình phát triển toàn cầu mới là 17 Mục tiêu phát triển bền vững, viết gọn là SDGs. Một bộ các chỉ tiêu thích hợp đã được lựa chọn để giám sát tiến độ thực hiện SDG, trong đó có một số chỉ tiêu được thiết kế riêng cho mục đích này.

Chương trình nghị sự về việc làm thỏa đáng của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) là trọng tâm để đạt được mô hình phát triển mới này. Nhu cầu về việc làm thỏa đáng của cả nam giới và phụ nữ chủ yếu nằm trong Mục tiêu số 8, nhưng cũng là một chủ đề xuyên suốt làm nền tảng cho việc đạt được các mục tiêu khác. Do đó, trong khi hầu hết các chỉ tiêu liên quan đến lao động đều nằm ở Mục tiêu số 8, một số chỉ tiêu lại nằm ở các mục tiêu khác như Mục tiêu số 1, 5 và 10.

Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ thực hiện khung phát triển bền vững mới. Cụ thể, năm 2017, Việt Nam đã thông qua Kế hoạch hành động quốc gia về Chương trình nghị sự 2030, đầu năm 2019, đã công bố danh mục các Chỉ tiêu thống kê về Phát triển bền vững của Việt Nam làm công cụ để quốc gia hóa khung SDG và đảm bảo cam kết từ các cơ quan hữu quan.

Ấn phẩm này là kết quả của sự hợp tác giữa Vụ Thống kê của ILO và ILO Việt Nam. Mục tiêu của báo cáo là phân tích xu hướng thị trường lao động quốc gia thông qua lăng kính của các chỉ tiêu thị trường lao động và SDG quốc tế. Cách tiếp cận này mang lại cơ hội so sánh bối cảnh Việt Nam với các quốc gia khác khi thực hiện ở các giai đoạn phân tích chính. Cuối cùng, báo cáo nhằm đóng góp cho cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các nguyên tắc của Tuyên bố thiên niên kỷ của ILO và “chương trình nghị sự về việc làm tương lai lấy con người làm trung tâm”.