Giải quyết Tranh chấp Lao động ở Việt Nam – Báo cáo Chẩn đoán nhanh

Báo cáo này phân tích các chính sách, thực tiễn và quan điểm của các bên liên quan về hệ thống giải quyết tranh chấp lao động ở Việt Nam. Báo cáo đề cập đến các tiêu chuẩn lao động quốc tế liên quan của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và rút ra bài học kinh nghiệm từ các thông lệ tốt từ các quốc gia khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương để đưa ra các khuyến nghị phù hợp với bối cảnh hiện tại của Việt Nam và tham vọng phát triển trong tương lai. Báo cáo này là kết quả hợp tác giữa Dự án Khung khổ Quan hệ lao động mới (NIRF) của Tổ chức Lao động Quốc tế và Cục Quan hệ lao động và tiền lương thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Kể từ khi Đổi mới đất nước vào năm 1986, Việt Nam đã trải qua tiến trình công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế để tăng trưởng và phát triển. Những thay đổi này đã đặt ra một số thách thức và kỳ vọng trong thế giới lao động ở Việt Nam, bao gồm ứng dụng công nghệ mới, nhu cầu cho các loại hình công việc khác nhau, tăng trưởng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và nhu cầu cao hơn về người lao động lành nghề hoặc (từ người lao động) yêu cầu đem lại lợi ích của sản xuất cao hơn. Những điều này đôi khi cũng góp phần làm căng thẳng các mối quan hệ lao động và dẫn đến các cuộc đình công tự phát.

Ngoài một loạt các vấn đề thực tế được những người sử dụng hệ thống giải quyết tranh chấp hiện tại xác định, báo cáo này chỉ ra một số đặc điểm không phù hợp với Công ước số 87 và số 98 của ILO. Là một quốc gia thành viên của ILO, Việt Nam cũng đang trong tiến trình phê chuẩn Công ước số 87 và số 98 trong tương lai gần với những thay đổi lớn trong cấu trúc và thông lệ về quan hệ lao động. Hệ thống giải quyết tranh chấp lao động mới sẽ cần được thiết kế để phù hợp với các Công ước này.

Bản báo cáo mô tả về cách thức thiết kế một hệ thống giải quyết tranh chấp lao động hợp pháp và thể chế hóa để vận hành ở Việt Nam một cách hiệu quả, cũng như khuyến nghị thành lập một cơ quan chuyên trách về giải quyết tranh chấp lao động có thẩm quyền. Trong phạm vi này, các khuyến nghị bao gồm việc tập trung vào chuyên nghiệp hóa Hội đồng Trọng tài Lao động và trao cho các trọng tài viên quyền ban hành các quyết định mang tính ràng buộc trong trường hợp có hành vi lao động không công bằng.