Kinh doanh và các Chính sách chung

Tài liệu dự án | Ngày 23 tháng 10 năm 2018
Tuyên bố DNĐQG của ILO ra đời khi mà chính phủ và các đối tác xã hội ở những quốc gia thành viên ILO đang quan ngại về những ảnh hưởng ngày càng lan rộng của các Công ty Đa quốc gia trong lãnh thổ của mình. DNĐQG là những đối tác quan trọng giúp thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội ở mọi quốc gia. Tuyên bố DNĐQG muốn nhấn mạnh tới những điểm giao thoa tiềm tàng giữa một bên là sự phát triển năng động của doanh nghiệp, tiến bộ về kinh tế và an ninh xã hội và một bên là giải quyết những ảnh hưởng tiêu cực có thể xảy ra.

Tuyên bố DNĐQG thúc đẩy sự hòa hợp giữa hành vi của các DNĐQG, và các chính sách ưu tiên phát triển của chính phủ các nước sở tại để đảm bảo những lợi ích phát triển xã hội to lớn hơn nhờ hoạt động của các DNĐQG. Tuyên bố DNĐQG phát biểu một cách rõ ràng rằng Chính phủ chịu trách nhiệm bảo vệ các quyền của người lao động, phối hợp các chính sách phát triển trong khi các công ty có trách nhiệm tôn trọng quyền của người lao động trong khuôn khổ vận hành của công ty. Các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy những hiệu quả mang tính lan tỏa của các thực hành tốt của DNĐQG tới văn hóa doanh nghiệp địa phương.

Doanh nghiệp được khuyến khích thừa nhận tính tự chủ của chính phủ trong việc điều tiết hoạt động của các tổ chức trong khi đó, đổi lại, các chính phủ được thúc giục tuân thủ Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và áp dụng các nguyên tắc nhân quyền ở mức độ lớn nhất có thể, cũng như những nguyên tắc được phát biểu trong Tuyên bố của ILO về Các Quyền và Nguyên tắc Cơ bản tại Nơi làm việc. Các điều khoản của Tuyên bố của ILO về Các Quyền và Nguyên tắc Cơ bản tại Nơi làm việc năm 1998 được thể hiện trong tám Công ước Cơ bản của ILO vốn được coi là trung tâm của các quyền con người tại nơi làm việc bất kể mức độ phát triển của quốc gia, thể hiện sự đồng thuận toàn cầu về các vấn đề lao động và xã hội. Những điều khoản này được hợp nhất trong Tuyên bố DNĐQG. Khi mà các chính phủ không thực hiện được trách nhiệm của mình, cần đảm bảo rằng các công ty không đóng góp cũng cũng không hưởng lợi từ thất bại đó. Khi mà hành động của chính phủ trong những vấn đề mà Tuyên bố DNĐQG điều chỉnh còn yếu hoặc thiếu, các công ty vẫn có thể sử dụng các điều khoản của tuyên bố làm kim chỉ nam cho hoạt động của mình.

Luật quốc gia và việc tuân thủ luật quốc gia là điểm khởi đầu của Tuyên bố DNĐQG. Sự tuân thủ là điều kiện tiên quyết của mọi hành động. Pháp luật quốc gia bao gồm các truyền thống và thông lệ của quốc gia đó, điều quan trọng là các DNĐQG phải tôn trọng những truyền thống và thông lệ này. Tuy nhiên, giữa pháp luật và thông lệ có thể tồn tại những khác biệt lớn gây khó khăn trong việc đảm bảo tôn trọng quyền của người lao động. Các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động là những đối tác xã hội chính trong các đối thoại với chính phủ về các nội dung phát triển kinh tế xã hội. Thông thường thì đây là các nguồn rất tốt cung cấp thông tin về pháp luật quốc gia và thông lệ địa phương. Các chính phủ, các công ty cũng nên tôn trọng những cam kết phù hợp với pháp luật quốc gia mà họ đã ký kết, và chấp nhận các nghĩa vụ quốc tế. Đối với chính phủ, điều này bao gồm việc thực hiện đầy đủ các công ước đã phê chuẩn và các nghĩa vụ khác đã được thỏa thuận. Để đổi lại, các công ty cần tôn trọng các thỏa thuận thương lượng tập thể tại cấp doanh nghiệp, cấp cơ sở và cấp quốc gia, tôn trọng các thỏa thuận khung quốc tế, và các cam kết khác mà họ đã hưởng ứng khi vận hành hoạt động của mình.

Vai trò của chính phủ và doanh nghiệp được phân biệt như sau trong Tuyên bố DNĐQG:

 

Chính phủ cần

Các DNĐQG cần

  • Phê chuẩn những công ước cơ bản của ILO
  • Đảm bảo sự gắn kết của chính sách và dựa vào những nội dung hướng dẫn chính sách được xây dựng từ những văn kiện quốc tế này
  • Các DNĐQG và doanh nghiệp quốc gia được đối xử một cách bình đẳng và được kỳ vọng như nhau về các tiêu chuẩn và cách vận hành của họ.
  • Chính phủ các nước sở tại cần thúc đẩy thực hành tốt giữa các DNĐQG của quốc gia mình.
  • Chính phủ của nước chủ nhà và nước sở tại cần tham vấn với nhau
  • Tôn trọng chủ quyền của quốc gia sở tại
  • Tuân thủ pháp luật quốc gia của nước sở tại
  • Xem xét các thông lệ địa phương
  • Tôn trọng các tiêu chuẩn quốc tế
  • Tôn trọng quyền con người
  • Đóng góp vào việc thực hiện Tuyên bố của ILO về các Quyền và Nguyên tắc Cơ bản tại nơi làm việc
  • Hài hòa các hoạt động với mục tiêu chính sách của chính phủ nước sở tại bằng cách tham gia vào các cuộc đối thoại