Quyền tự do lập hội

Tài liệu dự án | Ngày 23 tháng 10 năm 2018
Tự do lập hội là một quyền con người và là một trong những giá trị cốt lõi của ILO. Đây là một giá trị thiêng liêng được nhắc tới trong Hiến chương ILO, Tuyên bố Philadelphia của ILO, và Tuyên bố về các Nguyên tắc và Quyền Cơ bản trong Lao động của ILO (1998); điều này cũng được tuyên bố trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân Quyền.

Quyền của người lao động và người sử dụng lao động được thành lập và tham gia các tổ chức do họ tự chọn là một phần không thể tách rời của một xã hội cởi mở và tự do. Những tổ chức độc lập của người lao động và người sử dụng lao động mang lại cho họ những đối tác khách quan trong các đối thoại xã hội và thương lượng tập thể. Trong nhiều trường hợp, tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động đóng một vai trò lớn trong những các biến đổi dân chủ của quốc gia.

Tuy nhiên, trên khắp thế giới, việc đảm bảo tôn trọng quyền cơ bản này gặp phải rất nhiều thách thức. Ở một số quốc gia, một số đối tượng người lao động bị từ chối quyền lập hội, hay tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động bị đình chỉ hoạt động hay can thiệp bất hợp pháp, và trong một số trường hợp cực đoan những người hoạt động công đoàn còn bị bắt giữ hoặc giết.

Những tiêu chuẩn cơ bản của ILO liên quan tới quyền tự do lập hội là Công ước về Quyền Tự do Lập hội và Bảo vệ Quyền Tổ chức (Số 87) 1948 và Công ước về Quyền Tổ chức và Thương lượng Tập thể, 1949 (Số 98).

Ủy ban về Quyền Tự do Lập hội của ILO
được thành lập để xem xét khiếu nại từ các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động về vi phạm quyền tự do lập hội, bất kể quốc gia thành viên liên quan đã phê chuẩn những công ước này hay chưa.

Tuyên bố DNĐQG đề cập tới những đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp để đảm bảo sự hưởng thụ các quyền con người cơ bản trên khắp thế giới, trong đó có quyền tự do lập hội (Điều 1) và đưa ra những hướng dẫn chi tiết trong phần Quan hệ Lao động (điều 42-48).