Kinh doanh và lao động cưỡng bức

Tài liệu dự án | Ngày 23 tháng 10 năm 2018
Các tiêu chuẩn lao động quốc tế về lao động cưỡng bức bao gồm Công ước về Lao động Cưỡng bức, 1930 (Số 29)Công ước về Xóa bỏ Lao động Cưỡng bức, 1957 (Số 105). Tuyên bố 1998 của ILO về Các Nguyên tắc Cơ bản kêu gọi các Quốc gia thành viên xúc tiến và thực hiện quyền này trong lãnh thổ của mình dù họ đã phê chuẩn hay chưa phê chuẩn Công ước 29 và 105.

Tuyên bố 1998 và Tuyên bố DNĐQG  kêu gọi các doanh nghiệp đấu tranh chống lại lao động cưỡng bức. Trong khi các công ty hoạt động hợp pháp thường không sử dụng lao động cưỡng bức, họ vẫn có thể liên quan tới những hoạt động này thông qua các quan hệ kinh doanh với các đối tác khác, bao gồm cả nhà thầu và nhà cung cấp. Do đó, nhà quản lý cần nhận diện được các dạng và nguyên nhân của lao động cưỡng bức, cũng như khả năng xảy ra lao động cưỡng bức trong các khu vực công nghiệp và trong suốt chuỗi cung ứng.

Lao động cưỡng bức hoặc lao động bắt buộc là mọi công việc hoặc dịch vụ mà một người bị ép buộc phải làm dưới sự đe doạ về bất kỳ hình phạt nào và bản thân người đó không tự nguyện làm. Hình phạt có thể bao gồm tống giam, đe dọa sử dụng hoặc sử dụng bạo lực thể chất và ngăn chặn người lao động tự do di chuyển bên ngoài khu lao động. Việc đe dọa có thể ở dạng khó phát hiện như dọa làm hại gia đình của nạn nhân; dọa tố giác một lao động bất hợp pháp với chính quyền, hoặc giữ lại lương để ép lao động phải ở lại làm việc với hy vọng cuối cùng sẽ được trả.

Lao động cần được thực hiện tự nguyện và người lao động cần được tự do nghỉ việc, sau khi đã báo trước một khoảng thời gian hợp lý. Để xác định liệu công việc có được thực hiện tự nguyện hay không, người ta thường xem xét các áp lực bên ngoài và gián tiếp, ví dụ giữ lại một phần lương của người lao động coi như một phần trả của một khoản nợ nào đó, hoặc không có lương thưởng, hoặc giữ các giấy tờ tùy thân của người lao động.

Lệ thuộc vì nợ là một hình thức khác mà nhiều người lao động cuối cùng phải rơi vào cảnh lao động cưỡng bức. Lệ thuộc vì nợ phát sinh khi người lao động (đôi khi cùng với cả gia đình họ) bị ép buộc làm việc cho một người sử dụng lao động nào đó để trả một khoản nợ của chính họ hoặc được thừa kế. Nạn nhân lệ thuộc vì nợ, nếu cố trốn khỏi việc làm của mình, thường bị bắt và ép phải quay lại. Trả lương hoặc hình thức bồi thường khác cho người lao động không nhất thiết chứng tỏ việc lao động như vậy là bị cưỡng ép hay bắt buộc.

ILO ước tính có gần 21 triệu người đang là nạn nhân của lao động cưỡng bức trên toàn thế giới, 80% trong số đó là nạn nhân tại các cơ sở tư nhân. Hầu hết các nạn nhân không có hoặc có rất ít thu nhập, và làm việc nhiều giờ trong điều kiện làm việc cực kỳ nghèo nàn và nguy hiểm. Nhiều nạn nhân thường bị buôn bán qua biên giới quốc tế. Lao động cưỡng bức thực sự đang là một vấn nạn toàn cầu, hiện diện cả ở các quốc gia phát triển chủ yếu ở đối tượng người lao động di trú bị buôn bán. Cả nam giới lẫn nữ giới đều có thể là nạn nhân; ít nhất 40% trong số các nạn nhân là trẻ em.