Quyền thương lượng tập thể

Tài liệu dự án | Ngày 23 tháng 10 năm 2018
Tuyên bố 1998 của ILO về các Nguyên tắc và Quyền cơ bản trong Lao động khẳng định tầm quan trọng của việc công nhận một cách hiệu quả quyền thương lượng tập thể.

Công ước cơ bản quy định về quyền này là Công ước về quyền tổ chức và thương lượng tập thể, 1949 (Số 98). Tuyên bố DNĐQG đưa ra các hướng dẫn chi tiết về thương lượng tập thể trong Mục quy định về quan hệ lao động (các Điều 49-56).

Quyền của người lao động tự do thương lượng với người sử dụng lao động là một nội dung quan trọng trong quyền tự do lập hội. Thương lượng tập thể là một quy trình tự nguyện qua đó người sử dụng lao động và người lao động cùng nhau thảo luận và đàm phán về các mối quan hệ của mình đặc biệt là các điều khoản và điều kiện lao động. Quy trình có sự tham gia trực tiếp của người sử dụng lao động hoặc đại diện của của họ, cũng như tổ chức công đoàn hoặc đại diện khác do chính người lao động chỉ định.

Thương lượng tập thể chỉ có thể đạt hiệu quả nếu được tất cả các bên tiến hành tự do và thiện chí. Điều này có nghĩa là:
  • Cùng nỗ lực để đạt được thỏa thuận
  • Đàm phán thẳng thắn với tinh thần xây dựng
  • Tránh trì hoãn vô lý
  • Tôn trọng thỏa thuận đã đạt được và thực hiện thoả thuận một cách thiện chí, và
  • Dành đủ thời gian để các bên thảo luận và giải quyết xong các xung đột tập thể.
Thương lượng thiện chí hướng tới mục đích đạt được các thỏa ước tập thể được các bên cùng chấp nhận. Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, lúc đó có thể áp dụng quy trình thủ tục giải quyết tranh chấp từ thương lượng đến hòa giải rồi trọng tài.
Quá trình thương lượng tập thể cũng bao gồm cả giai đoạn trước khi tiến hành đàm phán thực sự - gồm các bước thu thập thông tin, tham vấn, đánh giá chung, và sau đó là thực hiện các thỏa ước tập thể.