Giới và việc làm

ILO: Bất bình đẳng giới không phải là điều đúng đắn và không tốt cho Việt Nam

Bất bình đẳng giới trên thị trường lao động Việt Nam bắt nguồn từ những chuẩn mực xã hội truyền thống, văn hóa và cách thức tổ chức doanh nghiệp phổ biến ở cả khu vực công và tư, cũng như từ việc thiếu tiếng nói của phụ nữ tại nơi làm việc thông qua chức năng đại diện công đoàn và thương lượng tập thể.

Tin | Ngày 12 tháng 3 năm 2021
HÀ NỘI – Việt Nam vẫn chưa tận dụng được tiềm năng của một nửa lực lượng lao động, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, TS Chang-Hee Lee, cho biết tại một hội thảo tại Hà Nội vào ngày 11 tháng 3.

Do ILO, tổ chức UNWOMEN và Viện Khoa học Lao động và Xã hội (ILSSA) đồng tổ chức, hội thảo giới thiệu những phát hiện chính của một báo cáo nghiên cứu mới của ILO về giới và thị trường lao động Việt Nam, đồng thời thảo luận các biện pháp để thúc đẩy bình đẳng giới.

Báo cáo của ILO khẳng định rằng Việt Nam vẫn còn con đường dài phía trước để tiến tới đạt được bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới trong lao động. Với tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động đặc biệt cao ở mức trên 70%, những đóng góp của họ – thông qua công việc – tới nền kinh tế và cả xã hội Việt Nam, không tương thích với chất lượng công việc mà họ có.

Nhìn chung, việc làm của nữ giới kém ổn định hơn, ít được bảo vệ hơn, và được trả công thấp hơn so với nam giới. Phụ nữ cũng nắm giữ rất ít trong số những công việc ra quyết định (dưới một phần tư), kể cả trong chính quyền cũng như trong kinh doanh.

Viện trưởng ILSSA, Tiến Sỹ Bùi Tôn Hiến, nhấn mạnh rằng đại dịch COVID-19 đã tác động nặng nề hơn đối với việc làm của phụ nữ, do đó ảnh hưởng tiêu cực đến bình đẳng giới tại Việt Nam.

“Đây không phải là điều đúng đắn và không tốt cho Việt Nam,” Giám đốc ILO Việt Nam nhận định.

Theo ông, bất bình đẳng giới trên thị trường lao động Việt Nam bắt nguồn từ những chuẩn mực xã hội truyền thống, văn hóa và cách thức tổ chức doanh nghiệp phổ biến, bao gồm thực tế quản lý nhân sự, ở cả khu vực công và tư, cũng như từ việc thiếu tiếng nói của phụ nữ tại nơi làm việc thông qua chức năng đại diện công đoàn và thương lượng tập thể.

Mỗi chúng ta đều cần có trách nhiệm chung tay để đảm bảo không còn phân biệt đối xử, đảm bảo việc trả công bình đẳng cho các công việc có giá trị ngang nhau.."

TS Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam
“Do vậy, mỗi chúng ta đều cần có trách nhiệm chung tay để đảm bảo không còn phân biệt đối xử, đảm bảo việc trả công bình đẳng cho các công việc có giá trị ngang nhau, trong bối cảnh Việt Nam đã cam kết những điều này bằng việc đã phê chuẩn các công ước cốt lõi của ILO về các nguyên tắc cơ bản đó,” TS Lee cho biết.

Trong số các đại biểu tham dự hội thảo có 3 đại sứ – đại sứ Thụy Điển Ann Måwe, đại sứ Hà Lan Elsbeth Akkerman và đại sứ Na Uy Grete Løchen – là những người luôn ủng hộ cho phong trào đấu tranh vì bình đẳng giới tại Việt Nam.