Tiêu chuẩn Lao động Quốc tế

Việt Nam sẽ bỏ phiếu thông qua hiệp định thương mại tự do với EU

Quốc hội cũng sẽ bỏ phiếu thông qua Công ước cơ bản số 105 của ILO về lao động cưỡng bức trong kỳ họp lần này.

Tin | Ngày 27 tháng 5 năm 2020
© ILO/Nguyen Viet Thanh
HÀ NỘI – Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) kỳ vọng sẽ được Quốc hội Việt Nam thông qua vào đầu tháng 6 này. Đây là hiệp định bao gồm các điều khoản quan trọng về lao động và môi trường hướng tới sự phát triển bền vững.

Nếu được Quốc hội thông qua, hiệp định sẽ có hiệu lực sau một tháng kể từ khi Việt Nam và Liên minh Châu Âu có thông báo chính thức cho nhau về việc đã hoàn tất các quy trình pháp lý. EVFTA với những lợi ích kinh tế đáng kể cho cả Việt Nam và Liên minh Châu Âu đã được ký kết hồi tháng 6 năm 2019, được Nghị viện Châu Âu bỏ phiếu thông qua vào ngày 12 tháng 2 và được Hội đồng Châu Âu quyết định phê chuẩn ngày 30 tháng 3.

Là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hiệp định này cố gắng giải quyết những thách thức về phát triển bền vững liên quan đến tự do thương mại tự bằng cách đưa vào các yêu cầu về tiêu chuẩn lao động và môi trường.

Tiến sỹ Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam, cho biết: “Ngày càng có nhiều quan ngại chính đáng cho rằng các dòng chảy thương mại tự do có thể làm trầm trọng thêm thực trạng bất bình đẳng giữa các quốc gia và trong bản thân mỗi quốc gia. EVFTA đặt ra những yêu cầu về lao động và môi trường được thiết kế nhằm đảm bảo hiệp định thương mại tự do góp phần bảo vệ quyền lợi của người lao động, chia sẻ những lợi ích kinh tế đạt được từ thương mại tự do một cách công bằng hơn và đảm bảo sự bền vững về môi trường.”

Chương 13 của EVFTA về Thương mại và Phát triển Bền vững yêu cầu Việt Nam và Liên minh Châu Âu “tái khẳng định cam kết của mình, phù hợp với các nghĩa vụ trong khuôn khổ của ILO và Tuyên bố của ILO về các Nguyên tắc và Quyền cơ bản trong lao động […], sẽ tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện hiệu quả các quyên tắc về các quyền cơ bản trong lao động”. Các quyền này bao gồm tự do hiệp hội và công nhận một cách thực chất quyền thương lượng tập thể; chấm dứt mọi hình thức lao động cưỡng bức hoặc ép buộc; loại bỏ một cách hiệu quả lao động trẻ em; và chấm dứt phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp.

EVFTA đặt ra những yêu cầu về lao động và môi trường được thiết kế nhằm đảm bảo hiệp định thương mại tự do góp phần bảo vệ quyền lợi của người lao động, chia sẻ những lợi ích kinh tế đạt được từ thương mại tự do một cách công bằng hơn và đảm bảo sự bền vững về môi trường."

TS Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam
Chương 13 cũng yêu cầu mỗi bên sẽ tiếp tục và duy trì các nỗ lực liên tục hướng tới phê chuẩn cả tám công ước cơ bản của ILO. Việt Nam hiện đã phê chuẩn sáu trong tổng số tám công ước cơ bản này. Dự kiến trong kỳ họp lần này, Quốc hội cũng sẽ bỏ phiếu thông qua Công ước số 105 về Xóa bỏ Lao động Cưỡng bức. Như vậy, chỉ còn lại Công ước số 87 về Tự do Hiệp hội và Bảo vệ quyền Tổ chức là công ước cơ bản duy nhất chưa được phê chuẩn và Chính phủ dự kiến sẽ phê chuẩn công ước này vào năm 2023.

Giám đốc ILO Việt Nam nhận định: “EVFTA cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ mang đến những cơ hội lớn cho Việt Nam, giúp Việt Nam phục hồi nhanh hơn thời kỳ hậu COVID-19.”

Gia nhập EVFTA và CPTPP cũng là cơ hội để Việt Nam hiện đại hóa pháp luật lao động và hệ thống quan hệ lao động. Việc Bộ luật Lao động sửa đổi được thông qua vào tháng 11 năm 2019 được kỳ vọng sẽ mang lại những thay đổi có ý nghĩa trong quan hệ lao động theo hướng mang lại lợi ích cho cả người lao động và người sử dụng lao động.

“Và một hệ thống quan hệ lao động mới được xây dựng trên cơ sở công nhận tự do hiệp hội và quyền thương lượng tập thể là động lực chính để Việt Nam vươn lên trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao với thị trường lao động được hiện đại hóa cùng lực lượng lao động lành nghề và hệ thống bảo trợ xã hội hiệu quả,” Giám đốc ILO Việt Nam cho biết thêm.


* Bài viết thuộc khuôn khổ dự án Thúc đẩy áp dụng các Công ước Cơ bản của ILO trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh Châu Âu – Việt Nam. Dự án do Liên minh Châu Âu tài trợ. Nội dung trong bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Liên minh Châu Âu.