Bảo hiểm y tế

Trao quyền cho nữ công nhân nhà máy ở Việt Nam thông qua kiến thức về quyền lợi bảo vệ sức khỏe

Một chuỗi các hoạt động nâng cao nhận thức sẽ được thực hiện sau khi một nghiên cứu của ILO chỉ ra những khoảng trống nhận thức liên quan đến bảo hiểm y tế, ốm đau và quyền lợi thai sản của các nữ công nhân nhà máy.

Tin | Ngày 23 tháng 3 năm 2020
Phụ nữ và trẻ em gái phải được nắm quyền quyết định liên quan đến sức khỏe, quyền và phúc lợi của họ.
HÀ NỘI – Việt Nam đang nỗ lực giải quyết các rào cản đối với tiếp cận chăm sóc sức khỏe và tăng cường nhận thức của các nữ công nhân về các quyền lợi an sinh xã hội liên quan đến sức khỏe, với sự hỗ trợ từ Dự án Hỗ trợ mở rộng Bảo vệ sức khỏe xã hội ở Đông Nam Á (ILO-Lux).

Dự án đang hợp tác với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN), với sự hỗ trợ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH), để xây dựng các công cụ truyền thông hiệu quả, bao gồm tài liệu tập huấn, khóa tập huấn giảng viên nguồn sẽ tổ chức vào tháng 4 năm 2020 để hỗ trợ các cán bộ công đoàn truyền đạt tốt hơn các quyền lợi và quy trình thủ tục liên quan đến sức khỏe cho người lao động.

Một cuốn sách nhỏ về quyền lợi bảo hiểm y tế, thai sản, ốm đau và tai nạn lao động- bệnh nghề nghiệp cũng đang được xây dựng và sẽ được phân phát trong ba diễn đàn thảo luận về bảo hiểm y tế và các quyền lợi bảo hiểm xã hội liên quan đến sức khỏe ở các tỉnh Bắc Ninh và Bình Dương.

Các hoạt động này là một phần của kế hoạch truyền thông nhằm giải quyết các thiếu hụt về kiến thức được xác định trong cuộc khảo sát nhanh được dự án thực hiện vào tháng 11 năm 2019 với các nữ công nhân nhà máy trong khu công nghiệp, những người được xác định là nhóm mục tiêu ưu tiên của dự án.

Kết quả từ khảo sát được thực hiện ở các tỉnh Bắc Ninh và Bình Dương, cho thấy mặc dù kiến thức chung về lợi ích bảo hiểm y tế xã hội (BHYT) ở mức tốt với 80% người tham gia có thể nắm được các chế độ chính, vấn đề nằm ở chỗ hiểu biết về các quy định chi tiết và điều kiện hưởng lại rất hạn chế.

Chỉ có 57% người lao động nhận thức được mức hưởng cho nghỉ thai sản và chỉ một phần ba số người tham gia biết họ được hưởng bao nhiêu ngày nghỉ ốm. Những người tham gia cũng không nắm rõ về cơ chế đồng chi trả và khoảng 40% số người được hỏi không biết về mức đóng góp của họ cho BHYT.

Hơn một nửa số người có thẻ BHYT tham gia nghiên cứu đã báo cáo sử dụng các cơ sở y tế không phải cơ sở đăng ký ban đầu, khiến cho việc thụ hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT bị hạn chế. Lý do thường được công nhân nhắc tới nhiều nhất là cơ sở y tế đó xa nhà, sau đó là giờ phục vụ bất tiện, thời gian chờ đợi lâu và không hài lòng với các dịch vụ y tế.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng rất ít công nhân gọi tới đường dây nóng của BHXH hoặc tham khảo trang web chính thức của BHXH để biết thông tin.

Phụ nữ và chăm sóc sức khỏe toàn dân


Có tới 60% công nhân tại các khu công nghiệp trong nước là phụ nữ. Phù hợp với xu hướng toàn cầu, tại Việt Nam, phụ nữ chiếm tỷ lệ đáng kể trong số những người lao động nghèo và có nhiều khả năng chỉ tham gia được các lĩnh vực được trả lương thấp hơn và bị ảnh hưởng bởi điều kiện làm việc bấp bênh, so với nam giới.

Để đạt được chăm sóc sức khỏe toàn dân, bình đẳng giới đóng vai trò rất quan trọng và các quốc gia phải đảm bảo rằng phụ nữ và trẻ em gái nắm quyền quyết định liên quan đến sức khỏe, quyền và phúc lợi của họ. Do đó, điều quan trọng là lao động nữ ở Việt Nam phải nhận thức đầy đủ về quyền của họ đối với bảo vệ sức khỏe xã hội, và các quyền lợi của họ được đảm bảo và khai thác đầy đủ, bà Marielle Phe Goursat, quản lý dự án ILO-Lux cho biết.

Thúc đẩy chăm sóc sức khỏe toàn dân là trụ cột chính của dự án này. Điều này có nghĩa tiếp cận chăm sóc sức khỏe thiết yếu không mang tính phân biệt đối xử và không có gánh nặng về tài chính.

Việt Nam đã đạt được tiến bộ rõ rệt đối với chăm sóc sức khỏe toàn dân sau khi triển khai thí điểm chương trình bảo hiểm y tế xã hội năm 1992. Chính thức từ năm 1995 do Bộ Y tế quản lý nhà nước và BHXH thực hiện, chương trình này triển khai BHYT bắt buộc và toàn diện cho toàn bộ dân số. Đối với các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm những người được xác định là nghèo hoặc cận nghèo, dân tộc thiểu số, người già và trẻ em, việc tham gia BHYT xã hội được trợ cấp từ các khoản thu thuế.

Theo Luật Bảo hiểm Y tế đầu tiên năm 2008 và sửa đổi năm 2014, diện bao phủ bảo hiểm y tế đã tăng từ 60% dân số năm 2010 lên 90% vào năm 2019. Năm nay, mục tiêu hướng tới tới 90,7% dân số nói chung và 100 phần trăm các nhóm dễ bị tổn thương được bảo hiểm.

“Nhưng rõ ràng, chỉ đăng ký tham gia sẽ không đủ để đảm bảo bao phủ hiệu quả cho các nhóm dễ bị tổn thương. Họ phải có sự hiểu biết thấu đáo về quyền lợi sức khỏe và cách thức để hưởng các quyền đó một cách đầy đủ, để họ có thể lên tiếng khi quyền lợi của họ không được bảo vệ và tránh các khoản thanh toán chi trả tiền túi không cần thiết”, chuyên gia ILO cho biết.

Bằng cách giải quyết nhu cầu quan trọng này và hành động để đảm bảo diện bao phủ có đáp ứng giới, công bằng và hiệu quả, Việt Nam đang nhanh chóng tiến gần bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, và trở thành một mô hình cho các quốc gia khác tham khảo hướng tới cùng một mục tiêu.

Trong bối cảnh đó, dự án ILO-Lux đang hợp tác với Bộ Y tế, BHXH, các tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động để tăng cường năng lực quốc gia về bảo vệ sức khỏe xã hội, hỗ trợ cải cách chính sách dựa trên bằng chứng và tăng cường bảo hiểm cho các nhóm dễ bị tổn thương.