Phụ nữ cần có nhiều lựa chọn hơn trong di cư lao động

Báo cáo “Thêm lựa chọn, tăng quyền năng: Cơ hội tăng quyền năng của phụ nữ di cư lao động từ Việt Nam” phân tích những thay đổi về kinh tế xã hội đối với phu nữ di cư và không di cư trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2018.

Tin | Ngày 08 tháng 3 năm 2020
Phụ nữ cần được có thêm quyền kiểm soát đối với những quyết định liên quan đến di cư lao động.
HÀ NỘI – Theo một nghiên cứu mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), di cư lao động có thể tao cơ hội giúp tăng quyền năng của phụ nữ tại Việt Nam nhưng những tác động tích cực của di cư có thể bị hạn chế khi phụ nữ có ít sự lựa chọn.

Báo cáo “Thêm lựa chọn, tăng quyền năng: Cơ hội tăng quyền năng của phụ nữ di cư lao động từ Việt Nam” phân tích những thay đổi về kinh tế xã hội đối với phu nữ di cư và không di cư trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2018.

Báo cáo cho biết cần thiết phải có thêm sự hỗ trợ về mặt thể chế trong toàn bộ quy trình di cư lao động nhằm cải thiện hơn nữa lợi ích mang lại. Phụ nữ cần được có thêm quyền kiểm soát đối với những quyết định liên quan đến di cư lao động như đi đâu, khi nào đi và loại hình công việc mà họ sẽ làm là gì. Chỉ có như vậy, di cư lao động mới có thể trở thành một nhân tố quan trọng thúc đẩy hơn nữa bình đẳng giới trong thế giới việc làm.

Bà Anna Engblom, Cố vấn trưởng Chương trình Tam giác khu vực ASEAN về di cư lao động an toàn, thừa nhận tác động của di cư tới phụ nữ là phức tạp, đa dạng và cho biết “phát hiện của báo cáo này đưa ra những cách thức mà Chính phủ có thể thực hiện để tăng cường hơn nữa lợi ích tích cực cho nhiều lao động nữ di cư hơn”.

Nghiên cứu sử dụng một số chỉ số nhằm phân tích trải nghiệm của các nhóm phụ nữ tại năm tỉnh thành của Việt Nam. Đối tượng nghiên cứu bao gồm 323 lao động nữ di cư đã về nước và 178 phụ nữ không di cư. Ngoài ra còn có thêm 61 phụ nữ tham gia phỏng vấn và thảo luận nhóm.

Một phát hiện chính của nghiên cứu đó là chưa có sự bình đẳng trong tiếp cận thị trường việc làm và việc tiếp cận này phụ thuộc lớn vào cơ hội và các điều kiện trong gia đình và cộng đồng nơi đi. Nhân tố này, cùng với những điều kiện hay ngành nghề việc làm ở quốc gia nhập cư sẽ tác động đến kết quả di cư. Điểm đến của người lao động di cư là một nhân tố then chốt có thể dự đoán được về lợi ích xã hội. Tuy nhiên, tác động của chi phí di cư tới việc lựa chọn nước đến mong muốn lại làm suy giảm tiềm năng mang lại lợi ích tích cực. Bên cạnh đó, một số phụ nữ được phỏng vấn cho biết họ có ít cơ hội để áp dụng những kỹ năng mà họ học hỏi được khi di cư lao động vào những nền kinh tế mà họ tham gia sau khi về nước để có thể tiếp cận được với những công việc tốt hơn.

Báo cáo khuyến nghị cần cải thiện luật pháp và chính sách hiện hành nhằm xúc tạo điều kiện di cư lao động và hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế địa phương. Báo cáo đặt ra sự cần thiết phải có những điều khoản đáp ứng giới trong pháp luật về di cư và trong các Biên bản Ghi nhớ ký kết với các quốc gia nhập cư. Cụ thể, Chính phủ Việt Nam cần khẩn trương vận dụng khuyến nghị này trong quá trình sửa đổi Luật số 72 - Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Bà Engblom cho biết “phát hiện từ nghiên cứu này cung cấp những thông tin thú vị, có thể phù hợp cho quá trình sửa đổi luật pháp, đáp ứng được tình hình số lượng lao động nữ Việt Nam di cư lao động ngày càng tăng”.

Các khuyến nghị khác mà báo cáo nghiên cứu đưa ra bao gồm nâng cao những tiêu chuẩn triển khai và giám sát các khóa tập huấn trước khi xuất cảnh, đảm bảo việc đưa người lao động sang các nước mà người lao động đến làm việc nhanh và thuận tiện hơn, giảm hoặc loại bỏ các chi phí tuyển dụng, các loại phí mà người lao động phải chi trả và xây dựng các chương trình tái hòa nhập để hỗ trợ phụ nữ hòa nhập xã hội và vận dụng những kỹ năng mà họ đã tiếp thu được từ nước ngoài.

Nghiên cứu được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia thông qua chương trình Tam giác khu vực ASEAN của ILO.

Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ:
Anna Olsen
Chuyên gia Kỹ thuật
Chương trình TAM GIÁC khu vực ASEAN
Văn phòng vùng của ILO phụ trách Châu Á – Thái Bình Dương
Email: olsena@ilo.org
www.ilo.org/triangleinasean