Triển vọng Việc làm và Xã hội Thế giới: Xu hướng 2020
ILO: Thâm hụt việc làm được trả lương tác động tới gần nửa tỷ người
Theo báo cáo toàn cầu mới nhất của ILO về xu hướng việc làm và xã hội, tình trạng thâm hụt việc làm thỏa đáng đi kèm với thất nghiệp gia tăng và bất bình đẳng dai dẳng khiến con người ngày càng khó có thể mưu cầu cuộc sống tốt đẹp hơn nhờ vào công việc của mình.

Bên cạnh đó, báo cáo Triển vọng Việc làm và Xã hội Thế giới: Xu hướng 2020 (WESO) dự báo thất nghiệp sẽ tăng thêm khoảng 2,5 triệu người vào năm 2020. Thất nghiệp toàn cầu đã duy trì khá ổn định trong 9 năm qua nhưng tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, đồng nghĩa với việc khi lực lượng lao động toàn cầu tăng lên thì lại không tạo đủ được việc làm mới cho những người mới tham gia thị trường lao động.
“Với hàng triệu dân thường, ngày càng khó để mưu cầu cuộc sống tốt đẹp hơn thông qua công việc,” Tổng Giám đốc ILO, ông Guy Ryder, cho biết. “Tình trạng bất bình đẳng liên quan đến công việc và bị bỏ rơi khỏi thế giới việc làm kéo dài dai dẳng khiến họ khó tìm được việc làm thỏa đáng và hướng tới tương lai tốt đẹp hơn. Đây thực sự là một phát hiện rất đáng lưu tâm mang tới hàm ý sâu sắc về vấn đề gắn kết xã hội.”
Với hàng triệu dân thường, ngày càng khó để mưu cầu cuộc sống tốt đẹp hơn thông qua công việc,"
Tổng Giám đốc ILO, ông Guy Ryder
Báo cáo WESO cho thấy sự mất cân đối giữa cung và cầu lao động không chỉ dừng ở phạm vi thất nghiệp mà còn thể hiện tình trạng không sử dụng được đầy đủ tiềm năng của nguồn lực lao động. Bên cạnh con số về thất nghiệp toàn cầu (188 triệu người), 165 triệu người không có đủ việc làm được trả lương và 120 triệu đã chủ động từ bỏ quá trình tìm kiếm việc làm hay không tiếp cận được với thị trường lao động. Tổng cộng có hơn 470 triệu người trên toàn thế giới chịu ảnh hưởng bởi tình trạng này.
Nghiên cứu cũng xét đến khía cạnh bất bình đẳng trên thị trường lao động. Sử dụng các số liệu cũng như dự báo mới, báo cáo cho thấy bất bình đẳng thu nhập trên phạm vi toàn cầu cao hơn chúng ta hình dung, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.
Trên toàn thế giới, tỷ trọng thu nhập quốc dân phân bổ cho lao động (thay vì phân bổ cho các yếu tố khác sản xuất khác) giảm đáng kể trong giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2017, từ 54% xuống còn 51%, trong đó sự sụt giảm kinh tế đáng kể nhất diễn ra ở Châu Âu, Trung Á và Châu Mỹ. WESO cho thấy tình trạng này diễn ra mạnh mẽ hơn so với những dự báo đã đưa ra trước đây.
Số lượng người dù có việc làm nhưng vẫn sống trong điều kiện nghèo tương đối hay nghèo cùng cực dự kiến sẽ tăng lên trong giai đoạn 2020 – 2021 ở các nước đang phát triển, làm gia tăng những trở ngại trong việc thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững số 1 về xóa bỏ đói nghèo ở khắp mọi nơi vào năm 2030. Tình trạng có việc làm nhưng vẫn nghèo hiện tại (được định nghĩa là người có thu nhập chưa đến 3,20 USD một ngày theo khái niệm sức mua tương đương) tác động tới hơn 630 triệu người lao động, tương đương với một phần năm dân số lao động toàn cầu.
Báo cáo cũng cho thấy tình trạng bất bình đẳng theo giới, tuổi tác và vị trí địa lý vẫn là những đặc tính cố hữu của các thị trường lao động hiện tại, gây hạn chế cả các cơ hội cá nhân và tăng trưởng kinh tế chung. Cụ thể, một con số đáng kinh ngạc là, 267 triệu thanh niên (15-24 tuổi) hiện không có việc làm, không được học hành hay đào tạo và rất nhiều người khác đang làm việc trong những điều kiện không đạt chuẩn.
Báo cáo cũng đưa ra cảnh báo rằng việc tăng cường hàng rào thương mại và chủ nghĩa bảo hộ có thể có tác động đáng kể tới vấn đề việc làm, cả tác động trực tiếp và gián tiếp.
Chúng ta chỉ có thể tìm ra đường hướng phát triển bền vững và toàn diện nếu chúng ta giải quyết được tình trạng bất bình đẳng này của thị trường lao động và vấn đề khoảng cách trong tiếp cận việc làm thỏa đáng."
Stefan Kühn, tác giả chính của báo cáo
Xét đến khía cạnh tăng trưởng kinh tế, báo cáo chỉ ra rằng tốc độ và hình thức tăng trưởng hiện tại đang kìm hãm những nỗ lực giảm nghèo và cải thiện điều kiện làm việc ở các nước thu nhập thấp. Báo cáo WESO khuyến nghị tăng trưởng cần dịch chuyển theo hướng khuyến khích các hoạt động tạo giá trị gia tăng cao hơn thông qua công cuộc chuyển đổi cơ cấu, cải tiến công nghệ và đa dạng hóa.
“Tình trạng không tận dụng được đầy đủ tiềm năng của lực lượng lao động cùng với việc làm kém chất lượng đồng nghĩa với việc những nền kinh tế và xã hội của chúng ta đang bỏ lỡ những lợi ích tiềm tàng của một nguồn nhân lực khổng lồ có thể mang lại,” ông Stefan Kühn, tác giả chính của báo cáo, cho biết. “Chúng ta chỉ có thể tìm ra đường hướng phát triển bền vững và toàn diện nếu chúng ta giải quyết được tình trạng bất bình đẳng này của thị trường lao động và vấn đề khoảng cách trong tiếp cận việc làm thỏa đáng”.
Báo cáo WESO thường niên phân tích những vấn đề chính của thị trường lao động bao gồm tình trạng thất nghiệp, tình trạng không sử dụng được đầy đủ tiềm năng của lực lượng lao động, có việc làm nhưng vẫn nghèo, bất bình đẳng thu nhập, phân bổ thu nhập từ lao động và các yếu tố khiến con người không tiếp cận được việc làm thỏa đáng.