Hội nghị Lao động Quốc tế

Việt Nam cam kết nỗ lực thực hiện tốt nghĩa vụ thành viên ILO

Việt Nam hoàn toàn ủng hộ Tuyên bố Thế kỷ của ILO dự kiến sẽ được Hội nghị thông qua.

Tin | Ngày 20 tháng 6 năm 2019
HÀ NỘI – Việt Nam cam kết nỗ lực thực hiện tốt nghĩa vụ thành viên ILO nhằm giải quyết những thách thức đang ngày một gia tăng và những thay đổi nhanh chóng trong lĩnh vực lao động – việc làm. Đây là khẳng định của Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, tại phiên họp toàn thể của Hội nghị Lao động Quốc tế thường niên lần thứ 108 diễn ra ngày 18/6 tại thành phố Geneva, Thụy Sĩ.

Hội nghị Lao động Quốc tế là sự kiện thường niên, nhưng Hội nghị lần này diễn ra nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập ILO. Để ghi nhận dấu mốc quan trọng của lịch sử, Hội nghị tập trung vào những biến chuyển sâu sắc đang diễn ra trong thế giới việc làm, bao gồm cả vai trò của ILO đối với nhiệm vụ xây dựng một tương lai việc làm mà mọi người đều mong muốn.

Bộ trưởng Dung chúc mừng ILO nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập, đồng thời nhấn mạnh tới con đường kéo dài 1 thế kỷ mà ILO và Việt Nam đã đi, nơi đó Chủ tịch Hồ CHí minh và những nhà sáng lập của ILO đã chia sẻ những lý tưởng về đảm bảo việc làm thỏa đáng và hạnh phúc cho mọi người.

Nhân dịp này, Việt Nam hoàn toàn ủng hộ Tuyên bố Thế kỷ của ILO dự kiến sẽ được Hội nghị thông qua. Tuyên bố kêu gọi thực hiện hiệu quả chính sách học tập suốt đời và chất lượng giáo dục tốt cho tất cả mọi người; chế độ an sinh xã hội phổ cập, toàn diện và và bền vững; tôn trọng các quyền cơ bản của người lao động; lương sinh hoạt tối thiểu đủ sống; giới hạn thời giờ làm việc tối đa; an toàn và sức khỏe lao động; cân bằng cuộc sống và công việc,…

Bộ trưởng Dung cũng nhấn mạnh những biện pháp chuyển đổi công bằng trong quá trình thúc đẩy số hóa của việc làm.

“Tốc độ thay đổi cũng làm biến đổi cách thức viêc làm – dù ở lĩnh vực sản xuất hay dịch vụ – được tổ chức và ghi nhận. Một số người sẽ được hưởng lợi lớn, nhưng cũng có những lo ngại rằng nhiều người có thể bị bỏ lại phía sau những tiến bộ và tiềm năng mà cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 này mang lại,” Bộ trưởng phát biểu.

Trong bối cảnh này, Việt Nam đánh giá cao sáng kiến của ILO về “Việc làm vì một tương lai tươi sáng hơn”, trong đó chỉ ra những công cụ chính sách nhằm thúc đẩy việc làm thỏa đáng và bền vững với những cách tiếp cận mới và tiến bộ. Những công cụ này bao gồm những khuyến nghị của Ủy ban Toàn cầu về Tương lai của Việc làm được đưa ra trong một báo cáo xuất bản từ đầu năm 2019. Trong những tháng qua, các quốc gia thành viên ILO, bao gồm Việt Nam, đã tổ chức các đối thoại cấp quốc gia để bàn về báo cáo này.

Bộ trưởng Dung cho biết: “Việt Nam cam kết làm việc với các đối tác ba bên của các quốc gia thành viên ILO để giải quyết các thách thức liên quan tới tương lai việc làm. Đồng thời, là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam hy vọng ILO sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong những nỗ lực đảm bảo việc làm thỏa đáng cho mọi người.”

Trong bài phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng cho biết, vào ngày 14/6, Quốc hội Việt Nam vừa phê chuẩn Công ước 98 của ILO về quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Chính phủ, các tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động và lao động Việt Nam, với sự hỗ trợ của ILO, đang trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động để giải quyết những thách thức mới trong thị trường lao động, và đưa pháp luật lao động Việt Nam phù hợp với Tuyên bố của ILO về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động.

Bộ trưởng đồng thời cho biết Việt Nam cũng đang tiến hành các cải cách sâu rộng về hệ thống bảo hiểm xã hội và chính sách tiền lương, và ghi nhận rằng trong quá trình đó, Việt Nam đã luôn nhận được những hỗ trợ hiệu quả và kịp thời từ ILO.

Hội nghị Lao động Quốc tế lần thứ 108, từ ngày 10 đến 21/6, quy tụ gần 6,000 đại biểu trên thế giới cùng họp mặt, cùng nhau tìm giải pháp cho những thách thức về lao động – việc làm toàn cầu.

Bên lề Hội nghị, Bộ trưởng Dung đã có buổi làm việc với Phó Tổng Giám đốc ILO phụ trách mảng chính sách, bà Deborah Greenfield. Bà hoan nghênh Việt Nam vừa phê chuẩn Công ước 98 của ILO và đánh giá cao tiến trình sửa đổi Bộ Luật Lao động của Việt Nam.