Tiêu chuẩn lao động quốc tế

Việt Nam xem xét phê chuẩn công ước của ILO nhằm thúc đẩy thương lượng tập thể

Thương lượng tập thể là một quyền cơ bản. Thương lượng tập thể hiệu quả có thể giúp giảm đình công tự phát và xây dựng quan hệ lao động hài hòa.

Tin | Ngày 08 tháng 11 năm 2018
@ILO
HÀ NỘI – Việt Nam đang xem xét gia nhập Công ước số 98 của ILO về Quyền Tổ chức và Thương lượng tập thể vào năm 2019. Đó là một nội dung trong công cuộc cải cách lao động đang được thực hiện.

Thương lượng tập thể là một quyền cơ bản. Đây là một phương tiện chủ đạo thông qua đó người sử dụng lao động và các tổ chức của họ và các tổ chức công đoàn có thể xác lập tiền lương và điều kiện làm việc công bằng.

Phát biểu tại hội thảo tham vấn hồ sơ đề xuất gia nhập Công ước số 98 được tổ chức tại Hà Nội ngày 8/11, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Doãn Mậu Diệp, cho rằng vai trò của các công ước cơ bản của ILO, trong đó có Công ước số 98, ngày càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và nhu cầu xây dựng thị trường lao động hiện đại.

Cuộc hội thảo diễn ra trong 2 ngày, do Bộ LĐTBXH và ILO tổ chức trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy các Công ước cơ bản của ILO hướng tới phê chuẩn các Công ước số 87, 98, 105 và hành động xóa bỏ phân biệt đối xử và lao động cưỡng bức ở Việt Nam” do Liên minh Châu Âu tài trợ.

Cùng với Công ước số 87 về Tự do Hiệp hội và Bảo vệ quyền được tổ chức, Công ước số 98 cấu thành một phần không thể tách rời của Tuyên bố của ILO về Các nguyên tắc và Quyền cơ bản trong lao động năm 1998. Tuyên bố này được đưa vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, là nền tảng nhằm đảm bảo toàn cầu hóa công bằng.

Cả Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) EU-Việt Nam và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đều yêu cầu tất cả các quốc gia thành viên phải thông qua và duy trì những quyền được nêu trong Tuyên bố 1998 trong pháp luật, thiết chế và thực tiễn.

“Công ước số 98 và 87 đặt ra những nguyên tắc phổ quát cho quan hệ lao động hiệu quả trong một nền kinh tế thị trường hiện đại,” TS Chang-Hee Lee, Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam, cho biết.

“Đình công tự phát là một trong những thách thức chính về quan hệ lao động tại Việt Nam kể từ giữa thập niên 90 đến nay. Thương lượng tập thể hiệu quả có thể giúp giảm đình công tự phát và xây dựng quan hệ lao động hài hòa do phương thức này thúc đẩy hợp tác và khả năng dự báo của thị trường lao động, yếu tố quan trọng đối với phát triển kinh tế và ổn định chính trị”.

Những nội dung tiêu biểu trong thương lượng bao gồm tiền lương, thời giờ làm việc, đào tạo, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp và đối xử bình đẳng. Mục tiêu của những cuộc thương lượng này là nhằm đi đến một thỏa ước lao động tập thể quy định các điều khoản và điều kiện làm việc.

Tăng cường mức độ bao trùm của thương lượng tập thể và thỏa ước lao động tập thể là một phương tiện chủ chốt giúp giảm bất bình đẳng và mở rộng phạm vi bảo hộ lao động.

“Cần phải ghi nhận sự đóng góp tích cực về kinh tế của hệ thống thương lượng tập thể,” Giám đốc ILO Việt Nam chia sẻ. “Thông qua thương lượng tập thể hiệu quả, người lao động có thể được hưởng lợi một cách công bằng hơn từ tăng trưởng kinh tế và năng suất. Điều này rất quan trọng, bởi vì chính sự gia tăng bất bình đẳng là nguyên nhân gây bất ổn chính trị tại nhiều quốc gia.”

Để thương lượng tập thể phát huy tính hiệu quả, công đoàn cần thể hiện vai trò là đại diện thực sự của người lao động. Công ước số 98 quy định rằng người lao động cần được bảo vệ một cách đầy đủ trước những hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn trong lao động.

Công ước cũng yêu cầu các tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động cần được bảo vệ một cách đầy đủ, không bị bên kia can thiệp trong quá trình thành lập, hoạt động hoặc điều hành hoạt động của mình.

Tại Việt Nam, không hiếm gặp những trường hợp lãnh đạo công đoàn cơ sở là quản lý cấp cao của doanh nghiệp. Đây là điều không thể chấp nhận theo Công ước số 98.

Theo Thứ trưởng Diệp, việc xem xét gia nhập Công ước 98 trong thời điểm hiện nay là công việc cần thiết, xét đến nhu cầu cải thiện hệ thống quan hệ lao động của Việt Nam và phù hợp với các chủ trương hội nhập kinh tế của đất nước.

Hiện đại hóa quan hệ lao động hướng đến các tiêu chuẩn của ILO đã được nhấn mạnh trong Nghị quyết trung ương số 06/NQ-TW ngày 5/11/2016 về hội nhập quốc tế cùng với Quyết định số 2528/QĐ-Ttg của Chính phủ ngày 31/12/2015 đã đưa ra những chỉ đạo cụ thể về việc phê chuẩn các công ước của ILO.

Nghị quyết số 27-NQ/TW tháng 5 vừa qua, là một trong hai văn kiện quan trọng do Trung ương Đảng ban hành, đã mở đường cho cải cách về tiền lương phù hợp với Công ước số 98.

Mặc dù vai trò của công đoàn trong thương lượng tập thể vẫn còn hạn chế trong bối cảnh Việt Nam hiện nay và ghi nhận rằng “Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp”, Nghị quyết nhấn mạnh “thương lượng, thỏa thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động và đại diện tập thể người lao động” phải là cơ sở để xác định tiền lương tại cấp doanh nghiệp. Do đó, Nghị quyết đề cao nhu cầu “nâng cao vai trò và năng lực của tổ chức công đoàn là tổ chức đại diện của người lao động trong quan hệ lao động phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Việt Nam đã phê chuẩn 5 trong số 8 công ước cơ bản của ILO. Ba công ước Việt Nam chưa phê chuẩn bao gồm Công ước số 98 Quyền Tổ chức và thương lượng tập thể, Công ước số 87 về Quyền Tự do hiệp hội và việc bảo vệ quyền được tổ chức và Công ước số 105 về Xóa bỏ Lao động cưỡng bức.

* Bài viết thuộc khuôn khổ dự án Thúc đẩy quá trình Việt Nam xem xét gia nhập và thực hiện các Công ước 87, 98, 105 của ILO. Dự án do Liên minh Châu Âu tài trợ. Nội dung trong bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Liên minh Châu Âu.