Lao động di cư

Việt Nam đề xuất các sáng kiến số thúc đẩy việc làm bền vững cho lao động di cư

Diễn đàn ASEAN về Lao động di cư lần thứ 11 với chủ đề “Số hoá nhằm thúc đẩy Việc làm bền vững cho người lao động di cư trong ASEAN" sẽ tập trung vào việc làm thế nào để tận dụng công nghệ số trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động di cư thông qua việc tăng cường tính minh bạch trong quản lý di cư.

Tin | Ngày 10 tháng 10 năm 2018
©ILO/Suzette Mitchelle
HÀ NỘI - Công nghệ số đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường thông tin và sự tiếp cận của lao động di cư với các dịch vụ và tăng tính minh bạch về dữ liệu lao động di cư giữa các bên liên quan.

Đây là thông điệp được đưa ra bởi Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Doãn Mậu Diệp và cũng là là một trong những khuyến nghị chính mà đoàn đại biểu Việt Nam sẽ đem tới diễn đàn ASEAN về Lao động di cư dự kiến được tổ chức tại Singapore từ ngày 29 đến 30/10 sắp tới.

Theo số liệu của Bộ LĐTBXH, hiện nay Việt Nam có khoảng 540,000 lao động Việt Nam hiện đang làm việc ở nước ngoài. Trong đó, số lượng lao động sử dụng các kênh không chính thức để di cư sang nước ngoài ngày càng tăng, cho thấy nhu cầu rất lớn đối với các doanh nghiệp tuyển dụng lao động tư nhân.

Trong bối cảnh đó, các nền tảng trực tuyến có thể giúp lao động phản hồi và đánh giá các doanh nghiệp tuyển dụng, xác định các vấn đề cần quan tâm và rủi ro tiềm ẩn. Việt Nam khuyến nghị rằng cần có cơ chế đảm bảo người lao động không phải chi trả chi phí cho việc sử dụng các nền tảng trực tuyến và các dịch vụ số khác.

Hiện nay, chỉ khoảng 1/3 (tương đương với 34%) lao động di cư Việt Nam có đầy đủ các thông tin đáng tin cậy giúp họ đưa ra các quyết định đúng đắn trước khi ra nước ngoài làm việc. Đây là một trong những kết quả của một khảo sát với 1.800 lao động di cư đã trở về của Cam-pu-chia, Lào, Myanmar và Việt Nam, do dự án TAM GIÁC (về di cư lao động an toàn) tại khu vực ASEAN của ILO, trên cơ sở hợp tác với một dự án Tổ chức Di cư Quốc tế, thực hiện.

Do đó, đoàn đại biểu Việt Nam đến diễn đàn khu vực lần này cũng sẽ kêu gọi các chính phủ và các bên liên quan cần phải tận dụng hơn nữa các lợi ích của công nghệ để hỗ trợ người lao động đưa ra các quyết định dựa trên thông tin đầy đủ trước khi di cư.

Cụ thể, Việt Nam đề xuất cần tăng cường sự tiếp cận của lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề thấp, đối với một cơ sở dữ liệu trực tuyến thân thiện với người dùng, giúp họ thu thập được các thông tin về hợp đồng, điều kiện làm việc, chi phí, lương và các phúc lợi khác từ các doanh nghiệp tuyển dụng.

Tại Việt Nam, Bộ LĐTBXH cũng đã bắt đầu thẩm định các đơn đăng ký hợp đồng cung ứng lao động trực tuyến tại https://csdl.dolab.gov.vn từ tháng 1/2017. Bộ cũng đã ban hành Thông tư 35/2017/TT-BLDTBXH về việc quản lý, vận hành và khai thác cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, yêu cầu tất cả các cơ sở tuyển dụng lao động di cư phải đăng ký hợp đồng cung ứng lao động trên hệ thống trực tuyến của Bộ.

ILO hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy di cư lao động an toàn thông qua chương trình TAM GIÁC tại ASEAN với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc và Tổ chức Nghiên cứu các vấn đề toàn cầu Canada. Mục tiêu tổng thể của chương trình là tối đa hóa sự đóng góp của lao động di cư đến sự tăng trưởng công bằng, toàn diện và ổn định trong khu vực ASEAN.

Cũng trong khuôn khổ hỗ trợ của chương trình, cuộc họp chuẩn bị quốc gia cho Diễn đàn ASEAN về Lao động di cư đã được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 10/9 vừa qua.