Thống kê lao động

Xây dựng chỉ tiêu lao động giúp thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững của Việt Nam

Danh mục các chỉ tiêu thống kê về lao động và việc làm là cơ sở cho việc giám sát và đánh giá các mục tiêu Phát triển Bền vững của Việt Nam.

Tin | Ngày 01 tháng 10 năm 2018
© ILO/Nguyễn ViệtThanh
HÀ NỘI – Tổng cục Thống kê (TCTK) đã đề xuất một danh mục các chỉ tiêu thống kê về lao động và việc làm, làm cơ sở cho việc giám sát và đánh giá các mục tiêu Phát triển Bền vững của Việt Nam (V-SDG).

Trong số 230 chỉ tiêu của Bộ chỉ tiêu thống kê V-SDG được xây dựng phù hợp với bối cảnh Việt Nam có 25 chỉ số liên quan đến lao động và việc làm. Các chỉ số đó bao gồm tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo, tỷ lệ dân số đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, năng suất lao động trong các ngành nông-lâm-thủy sản, và các chỉ số khác.

TCTK (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) được Chính phủ giao trách nhiệm xây dựng danh mục các chỉ tiêu V-SDG của Việt Nam để phản ánh 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã và đang hỗ trợ nhiệm vụ quan trọng này thông qua dự án “Tăng cường Thực hiện các Mục tiêu và Chỉ tiêu Phát triển Bền vững về Việc làm Bền vững ở Việt Nam” (dự án SDG).

Trong khuôn khổ hợp tác của dự án, vào ngày 26/9, một cuộc hội thảo tham vấn đã được tổ chức tại Hà Nội để giới thiệu các chỉ tiêu về lao động và việc làm. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến sẽ ban hành bộ chỉ tiêu thống kê V-SDG hoàn thiện vào cuối năm 2018.

Ông Tite Habiyakare, chuyên gia thống kê cao cấp cấp khu vực của ILO, cho biết: “Việc giám sát và đánh giá thực hiện các chỉ tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực lao động và việc làm, là một thách thức đối với Việt Nam do vẫn còn một số khoảng trống trong hệ thống và năng lực thống kê quốc gia”.

Ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng TCTK, cho biết, trong số các chỉ tiêu được đề xuất có một số chỉ tiêu chưa có dữ liệu đặc tả (metadata), nhiều chỉ tiêu có dữ liệu đặc tả chưa hoàn chỉnh, đặc biệt là phần định nghĩa hoặc phương pháp tính chưa rõ ràng.

Vì vậy, TCTK cần có sự chung sức của tất cả các cơ quan liên quan trong việc xây dựng hoàn chỉnh bộ chỉ số V-SDG lao động việc làm để có thể xây dựng một hệ thống chỉ tiêu giám sát các mục tiêu phát triển bền vững một cách thống nhất và hoàn chỉnh.

ILO hiện đang hỗ trợ các đối tác quốc gia, trong đó có TCTK và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, giúp tăng cường năng lực thống kê của các cơ quan này và cải thiện chất lượng hệ thống thông tin thị trường lao động.

Trong khuôn khổ cam kết thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững, năm ngoái Việt Nam đã thông qua Kế hoạch Hành động Quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững. 17 mục tiêu SDG toàn cầu đã được nội hóa thành 17 SDG của Việt Nam với 115 mục tiêu cụ thể phù hợp với bối cảnh và những ưu tiên phát triển của quốc gia.