Tiêu chuẩn lao động quốc tế

FTA với EU kêu gọi Việt Nam phê chuẩn những tiêu chuẩn lao động cơ bản còn lại

Các công ước cơ bản của ILO quy định những quyền cho phép các tác nhân của thị trường lao động ở Việt Nam quyết định và hỗ trợ những điều chỉnh về quản trị thị trường lao động cần thiết cho tự do hóa thương mại.

Tin | Ngày 30 tháng 7 năm 2018
© ILO/Nguyễn Việt Thanh
HÀ NỘI – Những nội hàm của hiệp định thương mại tự do EU- Việt Nam (EVFTA) đối với việc làm tử tế, phát triển bền vững và cải cách theo định hướng thị trường ở Việt Nam đã được đưa ra thảo luận tại một cuộc hội thảo tổ chức trong tháng 7.

Các cơ quan chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động kỳ vọng một tác động tích cực trong dài hạn của việc các tiêu chuẩn lao động dần được cải thiện đối với sinh kế của người lao động, đặc biệt là người lao động nghèo (những người lao động có mức thu nhập bằng hoặc ít hơn 3.10 USD theo sức mua tương đương) và những người lao động “cận nghèo”.

Tuy nhiên, để duy trì những nỗ lực của mình, họ cần phải nâng cao năng lực để cân nhắc một cách hiệu quả các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản và kỹ thuật trong bối cảnh cải cách hệ thống lập pháp quốc gia và thúc đẩy thương lượng tập thể cũng như khả năng hợp tác hiệu quả với các đối tác thương mại lớn trong tiến trình phê chuẩn và áp dụng những tiêu chuẩn này.

Tại hội thảo, Cố vấn Cao cấp của ILO thuộc Vụ Các Tiêu chuẩn Lao động Quốc tế tại Geneva, ông Tim De Meyer, đã chia sẻ với đại biểu những suy nghĩ của mình về Chương Thương mại và Phát triển Bền vững trong EVFTA. Ông đã nhấn mạnh một số đặc tính của EVFTA, là một trong số các hiệp định thương mại tự do “thế hệ mới”:
  • Những lợi ích thương mại chủ yếu nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện Chương trình Nghị sự Phát triển 2030, đặc biệt là hỗ trợ lẫn nhau cải thiện việc làm tử tế và “tăng trưởng kinh tế bền vững” (mục tiêu số 8 của SDG).
  • Bên cạnh những nỗ lực thực hiện tất cả các quyền và nguyên tắc cơ bản trong lao động, EVFTA kêu gọi những nỗ lực “được duy trì liên tục” nhằm phê chuẩn 3 Công ước cơ bản của ILO mà Việt Nam chưa phê chuẩn: Công ước về Quyền Tổ chức và Thương lượng Tập thể, năm 1949 (Công ước số 98); Công ước về Xóa bỏ Lao động Cưỡng bức, năm 1957 (Công ước số 105) và Công ước về Quyền tự do hiệp hội và Bảo vệ Quyền được Tổ chức, năm 1948 (Công ước số 87). Xét đến sự gia tăng số lượng nạn nhân của lao động cưỡng bức, hình thức nô lệ hiện đại và nạn mua bán người trên toàn cầu, Nghị định thư năm 2014 kèm theo Công ước về Lao động Cưỡng bức, năm 1930 (Công ước số 29) cũng cần được cân nhắc trong nội dụng này.
  • Các công ước cơ bản của ILO quy định những quyền cho phép các tác nhân của thị trường lao động ở Việt Nam quyết định và hỗ trợ những điều chỉnh về quản trị thị trường lao động cần thiết cho tự do hóa thương mại. EVFTA xét thấy những nỗ lực cải cách như vậy cần được hướng dẫn bởi các công ước kỹ thuật mới nhất của ILO – hiện tại có tổng số 77 ông ước. Tính đến nay Việt Nam mới phê chuẩn hơn 10 công ước kỹ thuật, chưa bao quát được toàn diện Chương trình Nghị Sự về Việc làm Bền vững. Việt Nam có thể đặt mục tiêu đến năm 2030 cải thiện con số này một cách đáng kể, ưu tiên các tiêu chuẩn trong các lĩnh vực về an sinh xã hội và đối thoại xã hội. Hội thảo này đã thảo luận một cách tiếp cận chiến lược nhằm thúc đẩy các tiêu chuẩn lao động kỹ thuật.
  • Các quốc gia thành viên của EU và Việt Nam đều là thành viên của ILO. Do vậy, việc EVFTA trao quyền phán quyết về việc tuân thủ các tiêu chuẩn đã phê chuẩn cho các cơ quan giám sát của ILO, những cơ quan đã được giao thực hiện chức năng này gần 100 năm qua, là hợp lý. EU và Việt Nam cũng có thể mở rộng hợp tác nhằm cải thiện hơn nữa năng lực của Việt Nam trong việc báo cáo đầy đủ và đúng hạn về việc thực hiện cam kết; tăng cường kêu gọi sự tham gia của người sử dụng lao động và người lao động trong quá trình giám sát và phản hồi đầy đủ những ý kiến bình luận của cơ quan giám sát của ILO.
  • EVFTA khuyến khích việc mở rộng và cải thiện các sáng kiến tư nhân tự nguyện nhằm thúc đẩy các tiêu chuẩn lao động – thường được gọi là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Các nhãn hiệu toàn cầu ngày càng được kỳ vọng áp dụng quy trình thẩm định đối với những vấn đề như hình thức nô lệ hiện đại và lao động trẻ em, quản lý rủi ro về uy tín và nâng cao tính minh bạch. Đây cũng là một lĩnh vực hợp tác tiềm năng quan trọng, xét đến việc triển khai thực hiện công tác thẩm định trong các lĩnh vực của tiêu chuẩn lao động gần đây; hậu quả khôn lường của công tác quản lý rủi ro kém đối với các cơ hội thương mại và vai trò thiết yếu của công tác thẩm định đối với các lợi ích thương mại bền vững.
Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ dự án của ILO do EU tài trợ với tên gọi “Thúc đẩy các công ước cơ bản của ILO hướng tới phê chuẩn các Công ước số 87, 98 và 105 và hành động nhằm xóa bỏ phân biệt đối xử và lao động cưỡng bức tại Việt Nam”.


* Bài viết thuộc khuôn khổ dự án Thúc đẩy quá trình Việt Nam xem xét gia nhập và thực hiện các Công ước 87, 98, 105 của ILO. Dự án do Liên minh Châu Âu tài trợ. Nội dung trong bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Liên minh Châu Âu.