Cải cách pháp luật lao động

Phản hồi trong quá trình tham vấn về sửa đổi Bộ Luật Lao động: Những điểm chính về giới và phân biệt đối xử

Nhóm chuyên trách về giới liên quan đến cải cách Bộ Luật Lao động của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đã đưa ra một số phản hồi chính về giới và phân biệt đối xử.

Tin | Ngày 15 tháng 1 năm 2018
Nhóm chuyên trách về giới liên quan đến cải cách Bộ Luật Lao động của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đã đưa ra một số phản hồi chính về giới và phân biệt đối xử. Đây là một phần của quá trình tham vấn ý kiến công chúng về Bộ Luật Lao động. Để góp ý về bản dự thảo của Bộ Luật, vui lòng vào đường link này.

Cải cách Bộ luật Lao động là cấp thiết để xóa bỏ hoặc sửa đổi tất cả các điều khoản hiện đang phân biệt đối xử với phụ nữ, tạo ra một sân chơi không công bằng cho phụ nữ tại nơi làm việc và mâu thuẫn với các cam kết trong nước và quốc tế.

Hiến pháp năm 2013 đảm bảo các quyền của phụ nữ và nam giới để theo đuổi sự thịnh vượng. Điều 16 nêu rõ rằng không ai có thể bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội. Bộ luật Lao động phải được sửa đổi để phù hợp với Hiến pháp.

Để giải quyết những vấn đề chính của phân biệt đối xử về giới, cần:
  1. Cho phụ nữ và nam giới có cùng độ tuổi nghỉ hưu để phụ nữ có cơ hội bình đẳng để xây dựng và tích lũy kỹ năng trong quá trình làm việc lâu dài, thăng tiến trong công việc và kiếm được mức lương tương xứng với kinh nghiệm lâu dài đó. Điều này cũng giúp phụ nữ có thể cống hiến cho nền kinh tế Việt Nam lâu hơn cũng như bảo đảm tính bền vững của quỹ bảo hiểm xã hội.
  2. Bao gồm trong Bộ luật lao động một định nghĩa đầy đủ và rõ ràng về phân biệt đối xử và kết hợp một định nghĩa cùng các điều khoản quy định liên quan đến quấy rối tình dục để quyền của phụ nữ thật rõ ràng và có thể thực thi. Các điều khoản cũng nên bao gồm việc cấm phân biệt đối xử về giới tính và khuynh hướng tình dục.
  3. Đảm bảo Bộ luật Lao động làm rõ quyền của phụ nữ và nam giới đối với việc trả công bình đẳng cho công việc mang lại giá trị như nhau để quyền này có thể được thực thi dễ dàng hơn.
  4. Sửa đổi những quy định với quan niệm sai lầm là nhằm ‘’bảo vệ’’ chức năng sinh sản của phụ nữ nhưng thực chất lại là phân biệt đối xử vì chúng giới hạn những công việc mà phụ nữ có thể và không thể làm mà không có chứng cứ khoa học và đưa vào những ý tưởng lỗi thời và vô căn cứ về sức mạnh và vai trò của phụ nữ.
  5. Cập nhật các điều khoản liên quan đến thời gian nghỉ để chăm sóc và trách nhiệm gia đình, bởi vì các quy định hiện hành phản ánh một thái độ rất lạc hậu về thế mạnh và vai trò của phụ nữ và nam giới. Điều cốt yếu là Bộ luật Lao động khuyến khích và tạo điều kiện cho cả nam giới và phụ nữ chia sẻ trách nhiệm và hưởng lợi từ sự linh hoạt trong điều kiện làm việc.
  6. Duy trì các giới hạn về giờ làm việc và làm thêm giờ để đảm bảo sức khoẻ và lợi ích của tất cả người lao động và gia đình họ và phù hợp với quy định hiện hành trong Bộ luật Lao động về việc khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ. Do phụ nữ hiện chịu gánh nặng lớn nhất của công việc gia đình, họ có ít sự linh hoạt hơn để làm thêm giờ. Nếu các giới hạn về giờ làm thêm được mở rộng, như đang được xem xét, phụ nữ sẽ phải chịu sự phân biệt đối xử về tuyển dụng và thu nhập cũng như buộc phải gánh thêm một gánh nặng còn lớn hơn nữa ở nhà do người đàn ông phải làm thêm giờ.
  7. Sửa đổi các điều khoản liên quan đến tự do hiệp hội và thương lượng tập thể, phù hợp với các Công ước 87 và 98, để người lao động và người sử dụng lao động có thể hoạt động độc lập và có thể thương lượng một cách thiện chí về mức lương và điều kiện làm việc. Đây là chìa khóa để đảm bảo rằng tất cả lao động nam và nữ có thể kiếm được tiền lương đủ sống trong giờ làm việc bình thường, vì vậy họ không bị buộc phải làm thêm nhiều giờ đồng hồ chỉ để đủ sống.
  8. Định nghĩa lại quan hệ việc làm để mở rộng sự bảo vệ của pháp luật tới nhiều người lao động hơn, bao gồm cả một lượng lớn những người lao động, đặc biệt là phụ nữ, làm việc không chính thức (không có hợp đồng) trong cả khu vực chính thức và phi chính thức.
Điều cốt yếu là Bộ LĐTB & XH và Quốc hội quyết tâm thực hiện những cải cách quan trọng này vì lợi ích của tất cả phụ nữ và nam giới Việt Nam.