Báo cáo An sinh xã hội thế giới 2017-2019

ILO: 4 tỷ người trên thế giới chưa tiếp cận với an sinh xã hội

Báo cáo mới công bố của ILO cho rằng cần nhiều nỗ lực hơn nữa để hiện thực hóa quyền an sinh xã hội cho tất cả mọi người.

Tin | Ngày 30 tháng 11 năm 2017
Hà Nội (ILO News) – Báo cáo trọng điểm của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho rằng, mặc dù có nhiều thành tựu về mở rộng an sinh xã hội trên thế giới, phần lớn dân số thế giới chưa được đảm bảo quyền tiếp cận với an sinh xã hội.

Theo các số liệu được công bố trong “Báo cáo An sinh xã hội thế giới 2017/19: Phổ cập an sinh xã hội để đạt mục tiêu phát triển bền vững”, chỉ có 45% dân số toàn cầu được bao phủ thực tế bởi ít nhất một chế độ an sinh xã hội, 55% còn lại – tương đương 4 tỷ người chưa được tiếp cận với an sinh xã hội.

Báo cáo cũng cho thấy chỉ có 29% dân số thế giới được tiếp cận với an sinh xã hội toàn diện, tăng rất thấp so với mức 27% trong giai đoạn 2015-2015, trong khi 71% còn lại, tương đương với 5,2 tỷ người không được, hoặc chỉ được tiếp cận một phần an sinh xã hội.

Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder cho biết: “Thiếu an sinh xã hội làm con người dễ bị tổn thương bởi bệnh tật, nghèo đói, bất bình đẳng và bị tách rời khỏi xã hội. Không đảm bảo quyền này cho 4 tỷ người là một rào cản đáng kể cho phát triển kinh tế và xã hội. Trong khi nhiều quốc gia đã đạt được những bước tiến trong phát triển hệ thống an sinh xã hội, vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa để hiện thực hóa quyền an sinh xã hội cho tất cả mọi người”.

Báo cáo khuyến nghị tăng chi tiêu công cho an sinh xã hội để mở rộng bao phủ an sinh xã hội, đặc biệt ở các khu vực châu Phi, châu Á và các quốc gia Ả Rập, nhằm cung cấp ít nhất một chế độ an sinh xã hội cho tất cả mọi người.

Báo cáo nhấn mạnh việc phổ quát an sinh xã hội đóng góp vào xóa đói giảm nghèo, giảm bất bình đẳng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội, cũng như đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), và chỉ ra cách thức nhiều quốc gia đang phát triển xây dựng các chương trình an sinh xã hội phổ quát. Báo cáo cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải mở rộng bao phủ an sinh xã hội đến người lao động trong khu vực phi chính thức như là một cách để chính thức hóa và cải thiện điều kiện làm việc của họ. Bà Isabel Ortiz, Giám đốc Chương trình An sinh xã hội của ILO cho biết “Nhiều chính sách cắt giảm tài khóa ngắn hạn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến các nỗ lực phát triển dài hạn. Các điều chỉnh tài khóa có tác động xã hội tiêu cực và làm nguy hại đến tiến trình hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững”.

Bà bổ sung“Dư địa tài khóa để mở rộng an sinh xã hội luôn tồn tại dù ở các quốc gia nghèo nhất. Các Chính phủ cần khai thác mọi phương án tài chính để thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc làm bền vững và an sinh xã hội”.

Các phát hiện chính

Báo cáo của ILO xem xét các khía cạnh cụ thể của an sinh xã hội, dựa trên các số liệu mới nhất, đưa ra các phát hiện toàn cầu và khu vực,trong các lĩnh vực sau:

An sinh xã hội cho trẻ em

  • Hiện nay mới chỉ có 35% trẻ em trên toàn thế giới được tiếp cận thực tế với an sinh xã hội, dù vậy vẫn còn có sự chênh lệch đáng kể giữa các khu vực. Gần 2/3 số trẻ em toàn cầu – tương đương 1,3 tỉ trẻ em - vẫn chưa được tiếp cận an sinh xã hội, trong số đó hầu hết là trẻ em sinh sống tại Châu Phi và Châu Á
  • Tính trung bình, mức chi cho các chương trình an sinh xã hội cho trẻ em và hộ gia đình có trẻ trong độ tuổi 0-14 tuổi chiếm 1.1% GDP, cho thấy đầu tư cho cho trẻ em thiếu hụt đáng kể;
  • Trong một vài thập kỷ gần đây, các chương trình trợ cấp bằng tiền cho trẻ em đã được mở rộng tại các quốc gia thu nhập thấp và thu nhập trung bình. Tuy nhiên, tỉ lệ bao phủ và mức trợ cấp vẫn chưa thỏa đáng. Một số quốc gia đã thực hiện cắt giảm các chương trình an sinh xã hội cho trẻ trong bối cảnh thắt chặt tài khóa,

An sinh xã hội cho phụ nữ và nam giới trong độ tuổi lao động

  • Diện bao phủ an sinh xã hội cho người trong độ tuổi lao động còn hạn chế. Mới chỉ có 41,1% bà mẹ khi sinh được nhận trợ cấp thai sản và vẫn còn 83 triệu bà mẹ khi sinh chưa được tiếp cận trợ cấp này
  • Hiện nay mới chỉ có 21,8% người thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp, vẫn còn 152 triệu người thất nghiệp chưa được hưởng trợ cấp.
  • Dữ liệu mới thu thập của ILO cho thấy 27,8% người khuyết tật nặng trên thế giới được hưởng trợ cấp khuyết tật.

An sinh xã hội cho người cao tuổi nam và nữ

  • Toàn thế giới hiện nay có 68% người trong độ tuổi hưu trí được nhận trợ cấp hưu trí/lương hưu; điều này có liên quan chặt chẽ đến việc mở rộng các hệ thống hưu trí có đóng góp và không có đóng góp tại nhiều nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình
  • Tính trung bình trên toàn cầu, chi tiêu cho trợ cấp hưu trí và các loại hình phúc lợi khác cho người cao tuổi hiện chiếm khoảng 6,9% GDP, trong đó có sự chênh lệch khá lớn giữa các khu vực. Tuy nhiên, mức trợ cấp hiện còn thấp, chưa đủ để giúp người cao tuổi thoát nghèo. Xu hướng này thường xuất phát từ chính sách thắt chặt tài khóa.
  • Một số quốc gia đảo ngược quá trình tư hữu hóa các quỹ hưu trí: chính sách tư hữu hóa không thực sự đem lại kết quả như mong muốn và các quốc gia như Argentina, Bolivia, Hungary, Kazakhstan và Ba Lan đã quay trở lại với các hệ thống hưu trí nhà nước

Bao phủ chăm sóc y tế toàn dân

  • Theo báo cáo, quyền được chăm sóc bảo vệ sức khỏe của người dân vẫn chưa được đảm bảo tại nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là tại khu vực nông thôn, nơi có tới 56% người dân chưa được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, so với 22% tại khu vực thành thị. Ước tính cần thêm 10 triệu cán bộ y tế để đạt được mục tiêu bao phủ chăm sóc y tế toàn dân, và đảm bảo về an toàn cho người dân, kể cả kiểm soát các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Ebola.
  • Hiện nay 48% dân số thế giới sống ở các quốc gia không có dịch vụ chăm sóc dài hạn – vốn rất cần thiết cho người cao tuổi, trong đó phụ nữ bị tác động lớn hơn. Chỉ có 5,6% dân số thế giới sinh sống tại các quốc gia mà pháp luật quy định đảm bảo phổ cập toàn dân về dịch vụ chăm sóc y tế dài hạn.
  • Vì lý do đó, ước tính toàn cầu có 57 triệu người lao động “tự nguyện”, và không được trả lương, thực hiện công việc chăm sóc y tế dài hạn. Nhiều người là phụ nữ thực hiện hầu hết các công việc chăm sóc y tế không chính thức cho các thành viên trong gia đình. Cần đầu tư hơn vào các dịch vụ chăm sóc sẽ làm giảm tình trạng nghèo của người cao tuổi và tạo ra hàng triệu việc làm, nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt cán bộ chăm sóc sức khỏe có tay nghề, ước tính vào khoảng 13,6 triệu lao động trên toàn cầu.

Việt Nam – con số và sự kiện
  • Quyền an sinh xã hội được khẳng định trong Điều 34, Hiến pháp Việt Nam (2013) “công dân có quyền được đảm bảo an sinh xã hội.
  • 13,1 triệu người tham gia BHXH, chiếm khoảng 24,1% lực lượng lao động (2016)
  • 2,7 triệu người hưởng một trong những chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên từ Bộ LĐTBXH.
  • 77,81 triệu người tham gia BHYT, đạt 83,4% dân số (6/2017)
  • Trong số hơn 11 triệu người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên), 2.3 triệu người đang hưởng chế độ hưu trí, 1.3 triệu người hưởng trợ cấp xã hội, còn khoảng 6-7 triệu người cao tuổi không có thu nhập
  • 77,81 triệu người tham gia BHYT, đạt 83,4% dân số (6/2017)
  • Hiện nay: 10% dân số trong độ tuổi trên 60. Dự báo 2030: 18% và 2050: trên 30%.
Báo cáo An sinh xã hội thế giới 2017/19: Phổ cập an sinh xã hội để đạt mục tiêu phát triển bền vững được ILO và Đại học Kinh tế quốc dân công bố tại Hà Nội vào ngày 30/11/2017. Báo cáo trọng điểm của ILO được mong đợi sẽ hỗ trợ quá trình hoạch định chính sách ở Việt Nam thông qua một loạt các phân tích toàn cầu, khu vực và quốc gia về diện bao phủ an sinh xã hội, các chế độ và chi tiêu công cho an sinh xã hội.

Báo cáo cung cấp nhiều thông tin đa dạng ở cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia về diện bao phủ an sinh xã hội, các chế độ an sinh xã hội, và chi tiêu công cho an sinh xã hội. Báo cáo cũng đưa ra các ước tính mới về tỉ lệ bao phủ an sinh xã hội hiệu lực nhằm mục đích giám sát tổng thể các hệ thống an sinh xã hội, bao gồm sàn an sinh xã hội, từ đó đưa ra số liệu đầu kỳ năm 2015 cho chỉ số SDG 1.3.1
Được thông qua vào năm 2015, các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc phản ánh cám kết chung của các quốc gia nhằm “Triển khai trên toàn quốc các hệ thống và các biện pháp an sinh xã hội thích hợp cho mọi người, bao gồm cả các chính sách sàn an sinh xã hội và đến năm 2030 đạt được diện bao phủ đáng kể cho người nghèo và những người dễ bị tổn thương (SDG 1.3).
Cam kết phổ quát hóa nầy tái khẳng định sự đồng thuận toàn cầu về mở rộng bảo hiểm xã hội theo
Khuyến nghị về Sàn An sinh xã hội số 202 của ILO đã được các chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động của 185 nước thông qua năm 2012.