Bộ Luật Lao động

Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi đang lấy ý kiến công khai

Bản dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi bao gồm những thay đổi đáng kể về một loạt điều khoản liên quan đến điều kiện làm việc và quan hệ lao động, hiện đang được lấy ý kiến công khai đến ngày 21/6.

Tin | Ngày 28 tháng 4 năm 2017
HÀ NỘI – Bản dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi bao gồm những thay đổi đáng kể về một loạt điều khoản liên quan đến điều kiện làm việc và quan hệ lao động, hiện đang được lấy ý kiến công khai đến ngày 21/6.

Lần đầu tiên được thông qua vào năm 1994 và trải qua nhiều lần sửa đổi trong các năm 2002, 2006 và 2012, Bộ Luật Lao động hiện một lần nữa đang trong quá trình đổi mới nhằm đáp ứng những yêu cầu mới trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh hội nhập toàn cầu.

Trong tình hình chuẩn bị tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như FTA với EU, Việt Nam có nghĩa vụ quốc tế phải cải thiện pháp luật, thiết chế và thực hành về lao động theo hướng tuân thủ các nguyên tắc và tiêu chuẩn được quốc tế công nhận. Nghị quyết Trung ương số 06 ban hành vào tháng 11/2016 và chương trình hành động của Chính phủ vừa được công bố ngày 25/4 nhằm thực hiện chỉ đạo quan trọng này (Nghị quyết Chính phủ số 38) đều nêu rõ lộ trình đổi mới trong bối cảnh hội nhập.

“Các nghĩa vụ quốc tế bắt nguồn từ việc Việt Nam là thành viên chính thức của ILO và vì thế Việt Nam cần tôn trọng và thúc đẩy Tuyên bố của ILO về các Nguyên tắc và Quyền Cơ bản trong Lao động,” Giám đốc ILO Việt Nam, Chang-Hee Lee cho biết.

Tuyên bố này gắn liền với 8 công ước cơ bản của ILO liên quan đến tự do hiệp hội và việc công nhận có hiệu quả quyền thương lượng tập thể, xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em và phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp.

Theo FTA giữa EU và Việt Nam, Việt Nam cam kết hướng tới phê chuẩn 3 công ước cơ bản hiện chưa được phê chuẩn, về Quyền tự do liên kết và Bảo vệ quyền được tổ chức (Công ước số 87), Quyền tổ chức và thương lượng tập thể (Công ước số 98), và Xóa bỏ lao động cưỡng bức (Công ước số 105).

Pháp luật lao động hiện đại

Theo Giám đốc ILO Việt Nam, pháp luật lao động ngày nay cung cấp sự bảo vệ về pháp lý tối thiểu cho người lao động, bởi trên thị trường lao động, họ là bên yếu thế hơn so với chủ sử dụng lao động.

“Nếu cứ để cơ chế thị trường tự do chi phối họ, người lao động có thể trở thành nạn nhân của các hình thức lao động không thể được chấp nhận, như lao động cưỡng bức, phân biệt đối xử, lao động trẻ em, công việc thiếu an toàn, và không có tiếng nói,” ông giải thích thêm. “Tại Việt Nam, Bộ Luật Lao động đồng thời cố gắng cung cấp sự bảo vệ thích hợp cho người lao động, và đảm bảo cân bằng hợp lý giữa nhu cầu được bảo vệ của người lao động và nhu cầu được linh hoạt của chủ sử dụng lao động.”

Những vấn đề chính

Dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi chứa nhiều nội dung thay đổi quan trọng. Dưới đây là những lĩnh vực chính có thay đổi:
  • Phạm vi áp dụng của Bộ Luật: Cần đảm bảo rằng việc không có hợp đồng lao động bằng văn bản không cản trở người lao động có được sự bảo vệ hợp pháp quy định trong Bộ Luật Lao động. Hiện nay, có vẻ như người lao động không có hợp đồng lao động bằng văn bản (ngoài những người lao động thời vụ với hợp đồng dưới 3 tháng) không được bao gồm trong khái niệm “người lao động” trong Bộ Luật Lao động. Điều này giới hạn pham vi áp dụng chỉ cho khoảng 11,3 triệu người lao động trong tổng số 52,6 triệu người lao động trong thực tế.
  • Tuổi nghỉ hưu: Ở tất cả các quốc gia thành viên của ILO, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu vẫn là một thách thức vô cùng khó khăn khi các quốc gia cố gắng cải cách hệ thống hệ thống bảo hiểm xã hội để hệ thống này bền vững, đủ khả năng chi trả và phổ cập toàn dân. Điều này đòi hỏi phải cân nhắc thận trọng dựa trên những chứng cứ khoa học để cân bằng lợi ích của thế hệ hiện tại và thế hệ tương lai, sự bền vững của hệ thống lương hưu – cơ chế bảo trợ xã hội then chốt trong nền kinh tế thị trường, và vấn đề bình đẳng giới.
  • Đảm bảo không có sự phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp: Cần có định nghĩa toàn diện hơn về phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp và cải thiện các quy định về trả lương bình đẳng cho công việc có giá trị ngang nhau, đồng thời bỏ đi những quy định đã lỗi thời về việc hạn chế sử dụng lao động nữ trong nhiều ngành nghề. Công ước 100 của ILO (về trả lương bình đẳng) và Công ước 111 (về phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp) đều đã được Việt Nam phê chuẩn. Hai công ước này giúp đưa ra những tham khảo quốc tế quan trọng để Việt Nam có thể sửa đổi những quy định trong luật theo hướng tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế mà vẫn phù hợp với bối cảnh của Việt Nam. Ngoài ra cũng cần cải thiện những quy định về lao động cưỡng bức, tham chiếu theo các Công ước của ILO về chủ đề này (Công ước 29 và Công ước 105).
  • Điều chỉnh các quy định về thời giờ làm thêm: Pháp luật lao động hiện đại quy định số giờ làm việc tối đa kể cả thời giờ làm thêm để bảo vệ sức khỏe người lao động. Đồng thời, pháp luật lao động cũng hướng tới cân bằng nhu cầu cần bảo vệ người lao động với nhu cầu của doanh nghiệp cần sự linh hoạt trong quy định về thời giờ làm việc. Về khía cạnh này, có nhiều cách có thể đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của cả người lao động và người sử dụng lao động.
  • Quan hệ lao động: Kể từ khi Bộ Luật Lao động được thông qua từ năm 1994, luôn luôn có một khoảng cách giữa quy định trong luật và thực tiễn quan hệ lao động tại nơi làm việc. Dự thảo sửa đổi lần này đã có những tiến bộ đáng kể, mặc dù vẫn còn một số điểm “vênh” so với các Công ước 87 và 98 của ILO. Nếu dự thảo được thông qua và thực thi, nhiều khả năng nó sẽ tạo ra một mội trường thúc đẩy các đại diện của người lao động và người sử dụng lao động xây dựng quan hệ lao động hiệu quả dựa trên thương lượng tập thể tự nguyện và các tổ chức thực chất của người lao động mà qua đó họ có thể đưa ra những quyết định về tiền lương và những điều kiện làm việc khác.
“Việc cải cách pháp luật lao động ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp, người lao động và toàn xã hội,” TS Lee nhận định. “Bởi vậy quá trình này đòi hỏi việc rà soát toàn diện về kỹ thuật đối với từng vấn đề dựa trên bằng chứng, cũng như tham vấn với đại diện của cả người lao động và chủ sử dụng lao động.”

ILO là một tổ chức chuyên môn của Liên Hợp Quốc về các vấn đề việc làm và chính sách lao động. Trong đó, các chính phủ, đại diện của chủ sử dụng lao động và người lao động có vai trò quyết định trong tổ chức.

“Chúng tôi sẵn sàng tư vấn và hỗ trợ chuyên môn cho Việt Nam trong suốt quá trình sửa đổi và thực hiện Bộ Luật Lao động quan trọng này,” TS Lee chia sẻ.

__________
* Dự án Chương trình Khung khổ Lao động Mới được tài trợ bởi Bộ Lao động Hoa Kỳ theo thỏa thuận hợp tác số IL-29690-16-75-K-11. Tài liệu này không nhất thiết phản ánh quan điểm hoặc chính sách của Bộ Lao động Hoa Kỳ, và việc viện dẫn tên thương mại, các sản phẩm thương mại hoặc các tổ chức chức cũng không hàm ý sự ủng hộ của Chính phủ Hoa Kỳ. 100% chi phí của dự án hoặc chương trình được tài trợ bởi Quỹ Liên bang, với tổng giá trị là 3 triệu USD.