Industrial relations

Việt Nam có thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp FDI đầu tiên tại Hải Phòng

Đây là ví dụ quan trọng về quan hệ lao động thực chất tại Việt Nam sau nhiều thập kỷ quan hệ lao động chỉ hạn chế ở phạm vi các quy định của Nhà nước và công đoàn chỉ là tổ chức chính trị xã hội chăm lo cho những lợi ích không phải là lợi ích cốt lõi nhất của người lao động.

Tin | Ngày 23 tháng 6 năm 2016

HẢI PHÒNG – Ngày 19/6, một thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp mang tính lịch sử đươc ký kết giữa Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng và 5 doanh nghiệp sản xuất của Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Tràng Duệ.

“Đây là lần đầu tiên một nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cùng ngồi với nhau đàm phán với công đoàn, vượt qua ranh giới của từng doanh nghiệp, để quyết định các điều kiện làm việc cơ bản, bao gồm việc ghi nhận quyền của công đoàn,” Giám đốc ILO Việt Nam Chang-Hee Lee cho biết. “Đó là một ví dụ tích cực cho tương lai của trách nhiệm xã hội doanh nghiệp và tương lai của quan hệ lao động tại Việt Nam.”

Thỏa ước này được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho gần 2.500 người lao động thông qua một loạt điều kiện có lợi hơn cho người lao động, bao gồm cải thiện chính sách về tuyển dụng và chính sách dành cho lao động nữ, tăng lương cơ bản, tăng tiền thưởng, trợ cấp, ngày phép và thời giờ nghỉ ngơi, cũng như các điều kiện đảm bảo cho hoạt động của công đoàn trong doanh nghiệp.

Ông Trần Văn Tú, Trưởng phòng Hành chính công ty TNHH Bluecom Vina – một trong 5 doanh nghiệp tham gia thỏa ước – cho biết việc xây dựng được một mặt bằng chung có ý nghĩa rất lớn đối với các doanh nghiệp trong cùng một khu vực, để đảm bảo tính ổn định của doanh nghiệp.

Ông nói: “Đây cũng là cơ sở để các doanh nghiệp cùng nhau thực hiện đúng với chính sách pháp luật lao động Việt Nam. Có những điều khoản còn cao hơn luật, như vậy là chúng tôi đã cùng nhau xây dựng được chế độ phúc lợi tốt cho người lao động để họ yên tâm lao động và sản xuất.”

Quá trình thương lượng thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp tại Hải Phòng bắt đầu từ năm 2015.

Quá trình này được thực hiện đồng thời với việc tuyên truyền phát triển đoàn viên để thành lập công đoàn cơ sở, bởi mục tiêu đạt được những lợi ích tốt hơn thông qua thỏa ước thương lượng tập thể có thể là động lực để thu hút người lao động tham gia hoặc thành lập công đoàn. Đây cũng chính là một phần của phương thức phát triển đoàn viên mới của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) – phương pháp tiếp cận “từ dưới lên” lấy người lao động làm trung tâm.

Kết quả là, đến thời điểm ký kết thỏa ước, 4 trong số 5 doanh nghiệp tham gia đã thành lập được công đoàn cơ sở. Đối với doanh nghiệp còn lại, người lao động dự kiến sẽ thành lập công đoàn vào tháng 7/2016.

“Qua những nỗ lực bền bỉ của mình, Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng đã cho thấy rằng, lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu công cuộc Đổi Mới, công đoàn có thể đại diện cho người lao động, thông qua phương thức phát triển đoàn viên từ dưới lên và thương lượng,” Giám đốc ILO Việt Nam nhận định. “Đó là một tính hiệu cho thấy công cuộc Đổi Mới của ngành công đoàn đã sắp bắt đầu.”

Theo ông, thỏa ước này là một ví dụ quan trọng về quan hệ lao động thực chất tại Việt Nam sau nhiều thập kỷ quan hệ lao động chỉ hạn chế ở phạm vi các quy định của Nhà nước và công đoàn chỉ là tổ chức chính trị xã hội chăm lo cho những lợi ích chưa phải là quan trọng nhất của người lao động.

Với quá trình hội nhập toàn cầu thông qua các hiệp định thương mại tự do, bao gồm Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam sẽ bước vào một kỷ nguyên mới về quan hệ lao động, nơi người lao động sẽ có quyền tự do thành lập hoặc gia nhập tổ chức mà họ lựa chọn ở cấp doanh nghiệp (tôn trọng đầy đủ Tuyên bố 1998 của ILO về Các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động). Các tổ chức này có thể lựa chọn trực thuộc hoặc không trực thuộc Tổng LĐLĐVN.