Hiệp định thương mại tự do

Thông cáo của Văn phòng ILO tại Việt Nam

Văn phòng ILO tại Việt Nam hoan nghênh cam kết mạnh mẽ của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về việc tôn trọng, thúc đẩy và thực thi những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của ILO

Tin | Ngày 20 tháng 11 năm 2015
Văn phòng ILO tại Việt Nam hoan nghênh cam kết mạnh mẽ của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về việc tôn trọng, thúc đẩy và thực thi những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của ILO. Việt Nam và các đối tác gần đây đã kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) Liên minh Châu Âu-Việt Nam và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

ILO đặc biệt hoan nghênh nỗ lực của Chính phủ về việc phê chuẩn ba công ước cơ bản trong những năm tới; bên cạnh năm công ước cơ bản đã được Việt Nam phê chuẩn. Ba công ước sẽ được phê chuẩn bao gồm:
  • Công ước về quyền tự do liên kết và về việc bảo vệ quyền tổ chức, 1948 (Số 87)
  • Công ước về quyền tổ chức và thương lượng tập thể, 1949 (Số 98)
  • Công ước về xóa bỏ lao động cưỡng bức, 1957 (Số 105)
Chúng tôi nhận thấy rằng Việt Nam, Hoa Kỳ trong bối cảnh Hiệp định TPP và các bên khác trong Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh Châu Âu-Việt Nam đều ghi nhận vai trò quan trọng của ILO trong việc đảm bảo thực thi các chương về lao động của các hiệp định thương mại tự do này, hỗ trợ kỹ thuật để tăng cường năng lực cho Chính phủ, các tổ chức đại diện của người lao động và người sử dụng lao động, cải thiện pháp luật và thực hành trong các lĩnh vực chính sách được đề cập trong các chương về lao động của các hiệp định thương mại tự do, nhằm thực thi hiệu quả Tuyên bố của ILO.

Khi được các đối tác ba đề nghị, ILO sẵn sàng hỗ trợ toàn diện cho Chính phủ, các tổ chức đại diện của người lao động và người sử dụng lao động trong việc hoàn thiện pháp luật, các thiết chế và thực hành của Việt Nam để tuân thủ chặt chẽ hơn các tiêu chuẩn có liên quan của ILO. Điều này sẽ thúc đẩy tăng trưởng, bình đẳng và hài hòa tại Việt Nam.

ILO cũng sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ và các đối tác xã hội giải quyết những thách thức về thị trường lao động và chính sách xã hội phát sinh khi Việt Nam thực hiện những nội dung khác nhau của các hiệp định thương mại tự do.