Chiến dịch thanh tra lao động trong ngành may mặc

Nâng cao nhận thức về tuân thủ tại nơi làm việc cho người lao động và người sử dụng lao động

Ngày 16/10/2015, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức Hội nghị tổng kết chiến dịch thanh tra lao động năm 2015 trong ngành may mặc.

Tin | Ngày 16 tháng 10 năm 2015
Hà Nội - Ngày 16/10/2015, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức Hội nghị tổng kết chiến dịch thanh tra lao động năm 2015 trong ngành may mặc.

Tham dự Hội thảo có ông Huỳnh Văn Tí, Ủy viên TƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, ông Chang-Hee Lee, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam, đại diện nhà tài trợ và các đối tác ba bên tham gia Chiến dịch.

Chiến dịch Thanh tra Lao động năm 2015 do Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các đối tác ba bên (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) thực hiện với sự hỗ trợ của ILO. Được triển khai tại 12 địa phương trên cả nước, Chiến dịch Thanh tra lao động năm 2015 nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức về pháp luật lao động trong ngành may mặc, góp phần tạo nên mối quan hệ lao động hài hòa và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và xã hội.

Trong khuôn khổ chiến dịch, các cơ quan Thanh tra lao động trung ương và địa phương tập trung hướng dẫn doanh nghiệp nâng cao chấp hành các quy định pháp luật trong tám lĩnh vực thường xảy ra sai phạm như thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, tiền lương, phương tiện bảo vệ cá nhân, rủi ro về điện,... Qua chiến dịch, nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động về tuân thủ tại nơi làm việc được nâng cao, điều kiện làm việc tại các nhà máy may được cải thiện đáng kể. Chiến dịch đặt trọng tầm vào công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ pháp luật lao động tốt hơn thay vì chỉ đưa ra các hình thức xử lý sau khi vi phạm xảy ra.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Huỳnh Văn Tí đánh giá cao sự hỗ trợ của của ILO và sự phối hợp chặt chẽ của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các bên liên quan trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch.

Ông Chang-Hee Lee, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam chia sẻ, "Chiến dịch giúp người lao động, người sử dụng lao động và công dân hiểu rõ hơn về vai trò của thanh tra viên lao động. Cách tiếp cận hiện đại của thanh tra lao động đề cao công tác phòng chống thông qua việc cung cấp tư vấn cho các doanh nghiệp. Chiến dịch đã xây dưng hệ thốngs tự giác tuân thủ pháp luật dựa trên thông tin và hướng dẫn từ phía thanh tra lao động.

Doanh nghiệp sẽ tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thông qua các Hiệp định tự do thương mại, đặc biệt là Hiệp định Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương, ngài Lee nhấn mạnh.

Chiến dịch thể hiện sự cam kết của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các Sở LĐ-TB&XH trong việc tiếp thu một cách tiếp cận mới để cải thiện tuân thủ tại nơi làm việc. Dự kiến trong năm 2016, Bộ LĐ-TB&XH sẽ áp dụng mô hình chiến dịch thanh tra lao động vào trong ngành xây dựng. ILO đánh giá cao cam kết tiếp tục tổ chức chiến dịch của Bộ LĐ-TB&XH và khuyến khích Chính phủ nâng cao độ bao phủ của chiến dịch, phối hợp chặt trẽ với các đối tác xã hội.