An toàn Vệ sinh Lao động

Việt Nam đạt bước tiến mới trong an toàn và sức khỏe lao động

Luật An toàn Vệ sinh Lao động vừa được chính thức thông qua, đánh dấu một bước tiến quan trọng bằng việc mở rộng các nỗ lực bảo vệ và phòng ngừa tới các đối tượng trong nền kinh tế phi chính thức.

Tin | Ngày 25 tháng 6 năm 2015
HÀ NỘI – Luật An toàn Vệ sinh Lao động vừa được chính thức thông qua, đánh dấu một bước tiến quan trọng bằng việc mở rộng các nỗ lực bảo vệ và phòng ngừa tới các đối tượng trong nền kinh tế phi chính thức.

Lần đầu tiên trong lịch sử, một luật về an toàn và sức khỏe lao động đã được Quốc hội thông qua trong ngày 25/6 vừa qua với số phiếu thuận áp đảo (89%) và sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2016.

Chúc mừng Chính phủ Việt Nam và các đối tác liên quan về thành công này, Giám đốc ILO Việt Nam, ngài Gyorgy Sziraczki chia sẻ: "Điều quan trọng là nền kinh tế phi chính thức sẽ được điều chỉnh trong luật mới này, bởi tại Việt Nam có khoảng 60% lực lượng lao động nằm trong khu vực phi chính và khu vực này thường phải đối mặt với điều kiện làm việc nghèo nàn."

Luật An toàn Vệ sinh Lao động được thông qua, chấm dứt quá trình soạn thảo và chỉnh sửa kéo dài nhiều năm mà ILO cũng tham gia đóng góp.

Trong những năm tới, việc áp dụng, thực thi luật sẽ là một thách thức mới đối với Việt Nam.

"Làm thế nào để phổ biến luật mới thông qua việc nâng cao nhận thức và đào tạo là nhiệm vụ cần được ưu tiên nhằm đảm bảo người sử dụng lao động, người lao động và cả những người làm việc ngoài khu vực chính thức hiểu được những quy định mới và làm thế nào để tuân theo những quy định đó," Giám đốc ILO chia sẻ.

Việc thông qua Luật An toàn Vệ sinh Lao động là minh chứng cho cam kết của Việt Nam giải quyết các vấn đề về an toàn và sức khỏe lao động và là bước nối tiếp của việc Việt Nam phê chuẩn Công ước số 187 về Khung chính sách thúc đẩy an toàn vệ sinh lao động 2006 năm ngoái. Văn bản pháp luật này cũng được hy vọng sẽ đóng góp cho việc thực hiệu hiệu quả các nguyên tắc trong Công ước số 155 về An toàn và Sức khỏe Lao động, 1981, được Việt Nam phê chuẩn năm 1994.