An toàn lao động

Việt Nam gia nhập Công ước mới của ILO, khẳng định cam kết mạnh mẽ cải thiện an toàn lao động

Công ước về Khung chính sách thúc đẩy an toàn vệ sinh lao động (Công ước 187) sẽ giúp Việt Nam trong quá trình kiện toàn pháp luật về an toàn vệ sinh lao động và đàm phán thương mại quốc tế.

Tin | Ngày 12 tháng 3 năm 2014
HÀ NỘI – An toàn vệ sinh lao động được đưa vào nội dung ưu tiên nhất trong chương trình nghị sự quốc gia sau khi Việt Nam vừa phê chuẩn Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế về Khung chính sách thúc đẩy an toàn vệ sinh lao động. Đó là phát biểu của một quan chức cao cấp của Chính phủ tại cuộc họp báo công bố sự kiện gia nhập này được tổ chức tại Hà Nội ngày 12/3.

Công ước mới này (được biết đến với tên gọi Công ước 187) nhằm thúc đẩy những nỗ lực dần dần của quốc gia trong việc cải thiện điều kiện lao động, ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp thông qua hệ thống chính sách và các chương trình quốc gia phù hợp với tiêu chuẩn lao động quốc tế.

“Việc Việt Nam gia nhập Công ước 187 có ý nghĩa quan trọng,” Thứ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội, Phạm Minh Huân, phát biểu. Ông cho rằng điều đó sẽ giúp quá trình xây dựng pháp luật trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động ở Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai xây dựng Luật An toàn lao động và đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Theo Giám đốc ILO tại Việt Nam, Gyorgy Sziraczki, việc phê duyệt Công ước 187 thể hiện quyết tâm của Việt Nam “hướng tới một văn hóa phòng ngừa” để nơi làm việc trở nên an toàn hơn và là một phần của “quá trình cải thiện” đồng thời cũng liên quan đến đối thoại giữa người lao động và chủ lao động và tăng cường thanh tra lao động.

“Sự kiện này gửi đi một thông điệp mạnh mẽ cho cả thế giới rằng những sản phẩm made-in-Việt Nam được sản xuất ra trong điều kiện đảm bảo,” ông nhận định. “Điều đó sẽ giúp đẩy mạnh thương mại quốc tế và tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.”

Việt Nam là quốc gia thứ ba ở Đông Nam Á và thứ năm ở Châu Á gia nhập Công ước 187, sau Singapore, Malaysia, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Công ước 187 có hiệu lực trên thế giới từ năm 2009 và đến nay đã có 29 quốc gia thành viên (chưa kể Việt Nam) phê chuẩn.

Đây cũng là công ước thứ 21 của ILO mà Việt Nam gia nhập.