Bình đẳng giới

Bộ Luật Lao động sửa đổi: Từ bảo vệ đến trao quyền cho phụ nữ

Phụ nữ Việt Nam đã và đang giữ một vai trò quan trọng đối với nền kinh tế. Bộ Luật Lao động sửa đổi hướng tới đảm bảo rằng phụ nữ có thể nhận được thành quả xứng đáng cho những đóng góp của mình, thông qua giải quyết các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới và phân biệt đối xử tại nơi làm việc.

Bài viết | Ngày 07 tháng 3 năm 2020
HÀ NỘI – Phụ nữ Việt Nam từ lâu đã luôn mang trên vai một gánh nặng kép. Phong trào thi đua “giỏi việc nước (với hàm ý việc làm được trả lương), đảm việc nhà” do Công đoàn phát động từ cuối thập niên 80 đến nay vẫn là câu khẩu hiệu quen thuộc để người lao động nữ phấn đấu.

Và phái nữ đã hưởng ứng tích cực lời kêu gọi đó để đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước. Hơn 70% phụ nữ trong độ tuổi lao động đang có việc làm hoặc trong quá trình tìm việc – so với mức trung bình chỉ 48% trên thế giới.

So sánh tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ tại Việt Nam và thế giới

Mặc dù vậy, phụ nữ vẫn chưa được đền đáp bằng sự bình đẳng. Hiện người lao động nữ làm công ăn lương tại Việt Nam có thu nhập trung bình tháng thấp hơn nam giới khoảng 11% và tỷ lệ phụ nữ giữ các vị trí quản lý chưa đầy 28%.

Được thông qua vào tháng 11 năm 2019, Bộ Luật Lao động sửa đổi của Việt Nam hướng tới giải quyết các khoảng cách về giới còn hiện hữu. Là văn bản pháp luật toàn diện nhất điều chỉnh các vấn đề về lao động việc làm tại Việt Nam, Bộ Luật chạm tới một số lĩnh vực đang tồn tại bất bình đẳng.

Thu hẹp khoảng cách giới trong tuổi nghỉ hưu

Bộ Luật Lao động mới giảm số năm chênh lệch giữa tuổi nghỉ hưu của nam và nữ từ 5 xuống còn 2 năm. Khi Bộ Luật có hiệu lực từ tháng 1 năm 2021, tuổi nghỉ hưu cho lao động nữ sẽ tăng dần đến 60 tuổi, thay vì 55 tuổi như hiện nay.

Chị Dương Thị Mai (trái) chụp ảnh cùng một vận động viên
Chị Dương Thị Mai, 35 tuổi, huấn luyện viên thể thao của tỉnh Thái Nguyên, hài lòng với sự thay đổi này: “Bản thân là người thích làm việc, tôi cho rằng nam nữ cần phải được bình đẳng như nhau trong công việc.”

Chị Mai đã trải qua một khoảng thời gian khó khăn, luôn phải cố gắng “với hơn 100% khả năng” để có thể vừa đảm bảo yêu cầu của công việc, vừa lập gia đình, chăm con và phấn đấu trong sự nghiệp.

Chị Dương Thị Mai (giữa) cùng các cháu tại quê nhà
“Huấn luyện viên nữ phải chịu nhiều thiệt thòi, phải bỏ lỡ những cơ hội đào tạo tập huấn quý giá trong thời gian có bầu. Đến khi hoàn thành giai đoạn sinh con và chăm con vất vả nhất, đó là lúc phụ nữ có thể phát huy tối đa năng lực của mình cho công việc, thì tiếc thay sự nghiệp của họ cũng không còn nhiều thời gian. Vì thế tôi thấy mừng vì Bộ Luật Lao động cho phép phụ nữ nghỉ hưu muộn hơn. Điều này sẽ giúp phụ nữ có cơ hội để khẳng định mình trong sự nghiệp như nam giới."

Quấy rối tình dục và phân biệt đối xử dựa trên giới

Các điều khoản trong Bộ Luật Lao động sửa đổi cũng giúp giải quyết vấn đề quấy rối tình dục tại nơi làm việc, chênh lệch tiền lương giữa nam và nữ, bảo vệ tốt hơn người lao động nữ trong quá trình mang thai và nuôi con nhỏ. Nhiều nghề hoặc công việc lúc trước cấm sử dụng lao động nữ với mục đích bảo vệ họ thì giờ đây đã mở cửa với nữ giới và cho họ quyền lựa chọn làm hoặc không làm.

Chị Ngô Thị Kim Thanh, quản lý cấp trung tại một doanh nghiệp dệt may ở tỉnh Nam Định, đánh giá cao sự thay đổi trong cách tiếp cận này.  Là một người mẹ trẻ đang mang thai, chị muốn được tự quyết định có đi công tác, làm ca tối, hoặc làm một số công việc nhất định hay không. “Đó nên là lựa chọn của chính người phụ nữ,” chị chia sẻ.

Từ bảo vệ đến trao quyền


Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Nguyễn Thị Hà, từng phát biểu rằng lần sửa đổi Bộ Luật Lao động vừa rồi là cơ hội để hoàn thiện chính sách đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới, là lúc Việt Nam thay đổi cách tiếp cận từ “bảo vệ lao động nữ” sang cách tiếp cận đảm bảo quyền đối với mọi người lao động, cả nữ và nam.

Bộ Luật Lao động sửa đổi cũng cho phép người lao động tại doanh nghiệp thành lập tổ chức đại diện do họ lựa chọn. Bà Kimberly Sayers-Fay, quản lý dự án Khung khổ Quan hệ Lao động Mới (NIRF) của ILO, cho biết, điều này có thể mang lại nhiều lợi ích cho phụ nữ.

“Trong khi nhiều điểm của Bộ Luật Lao động có tác động như nhau tới mọi người lao động – cả nữ và nam, thì một số điểm mang yếu tố giới, trong đó, nhiều điểm đã được cải thiện theo hướng phù hợp hơn với các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, bao gồm chống phân biệt đối xử trong lao động việc làm.”

“Vì phụ nữ chiếm một phần đông trong số lao động các ngành sản xuất, điều này sẽ mở ra những cơ hội lớn để họ có thể lên tiếng về điều kiện làm việc,” bà Sayers-Fay giải thích.

“Tuy nhiên vẫn còn một khoảng cách lớn để người lao động nữ tại Việt Nam – cũng như tại nhiều quốc gia khác – có thể bình đẳng với nam giới,” bà nói. “Gần một nửa lực lượng lao động của Việt Nam là nữ giới. Đã đến lúc cần tận dụng những tiềm năng của họ trong công việc cũng như đền đáp cho họ một cách xứng đáng.”

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã tham gia hỗ trợ quá trình sửa đổi Bộ Luật Lao động thông qua một số kênh, trong đó có dự án NIRF. Những hỗ trợ của ILO nhằm mục đích giúp Việt Nam tổ chức tham vấn toàn diện đối với dự thảo, đảm bảo được tiếp cận bằng chứng và nghiên cứu, và thu hẹp khoảng cách giữa khung pháp lý quốc gia với các Công ước cơ bản của ILO, những tiêu chuẩn về lao động đã được quốc tế công nhận..

 

* Dự án Chương trình Khung khổ Quan hệ Lao động Mới được tài trợ bởi Bộ Lao động Hoa Kỳ theo thỏa thuận hợp tác số IL-29690-16-75-K-11. Tài liệu này không nhất thiết phản ánh quan điểm hoặc chính sách của Bộ Lao động Hoa Kỳ, và việc viện dẫn tên thương mại, các sản phẩm thương mại hoặc các tổ chức chức cũng không hàm ý sự ủng hộ của Chính phủ Hoa Kỳ. 100% chi phí của dự án hoặc chương trình được tài trợ bởi Quỹ Liên bang, với tổng giá trị là 4 triệu USD.