Lao động trẻ em

Học sinh Hà Nội nói về phòng chống lao động trẻ em thông qua nghệ thuật

Học sinh Hà Nội diễn kịch nhằm nâng cao nhận thức về lao động trẻ em là một phần của chương trình Hỗ trợ quyền trẻ em thông qua Giáo dục, Nghệ thuật và Phương tiện truyền thông (SCREAM), được thực hiện tại nhiều địa phương trên toàn quốc với sự hỗ trợ của ILO.

Bài viết | Ngày 26 tháng 2 năm 2020
Phú Nghĩa là một trong nhiều trường thực hiện chương trình SCREAM.
Vào một ngày ngày đầu năm, học sinh và giáo viên trường Phú Nghĩa, ngoại thành Hà Nội đã tổ chức một chương trình diễn kịch, biểu diễn nghệ thuật, diễn thuyết và đố vui nhằm truyền tải thông điệp về phòng chống lao động trẻ em từ nhà trường tới cộng đồng. Sự kiện có sự tham gia của 500 đại biểu gồm học sinh, giáo viên, phóng viên và cán bộ địa phương.

Sự kiện diễn ra trong một ngày đẹp trời tại huyện Chương Mỹ, là một phần của một chương trình sáng tạo “Hỗ trợ quyền trẻ em thông qua Giáo dục, Nghệ thuật và Phương tiện truyền thông” (SCREAM). Phú Nghĩa là một trong rất nhiều trường trong khu vực thực hiện chương trình SCREAM với sự hỗ trợ của Dự án Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quốc gia Phòng ngừa và giảm thiểu Lao động trẻ em ở Việt Nam (Dự án ENHANCE) của ILO.

Được khởi xướng bởi Chương trình Quốc tế của ILO về Xóa bỏ lao động trẻ em, Chương trình SCREAM – Chấm dứt lao động trẻ em đã trang bị cho các bạn trẻ công cụ truyền thông về lao động trẻ em thông qua nghệ thuật. Chương trình Chấm dứt Lao động trẻ em đã được chứng minh là một phương pháp hiệu quả để thu hút giới trẻ và thúc đẩy thay đổi xã hội tại cộng đồng.

Học sinh trường Phú Nghĩa School đã chứng minh được hiệu quả của phương pháp này. Ngoài các điệu nhảy, các em học sinh đã trình diễn một xê-ri 3 vở kịch do học sinh sáng tác về chủ đề lao động trẻ em, mỗi vở diễn là một sắc thái hiểu biết của các em về vấn đề này. Thông điệp của vở kịch đầu tiên, Chuyện của Chi, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vận đông các thành viên trong cộng đồng lên tiếng chống lại lao động trẻ em trong các doanh nghiệp tại địa phương. Vở kịch thứ hai, Gia đình vợ chồng chú Nam, nhấn mạnh ảnh hưởng của việc bỏ học sớm và vai trò quan trọng của các thầy cô giáo trong việc ngăn ngừa lao động trẻ em và vở kịch cuối cùng, Gia đình nghèo, đã minh họa sinh động tác động của nghèo đói dẫn đến tình trạng lao động trẻ em và sức mạnh tiếng nói của trẻ em trong việc khẳng định quyền của mình.

Sau buổi biểu diễn, các học sinh tham gia cuộc thi đố về lao động trẻ em, tiếp sau đó là bài thuyết trình của ba em học sinh về chủ đề này, cho thấy mức độ hiểu biết của học sinh rất ấn tượng và nêu bật khả năng thuyết trình của trẻ về hậu quả của lao đông trẻ em với các bạn đồng trang lứa rất tự tin và thuyết phục.

Thông qua việc thu hút giới trẻ tham gia vào chiến dịch toàn cầu phòng chống lao động trẻ em và ghi nhận các em như những tác nhân của sự thay đổi, mục tiêu của SCREAM là nhằm thúc đẩy văn hóa tôn trọng quyền trẻ em trong trường học, gia đình và nhà trường.

Cô Oanh, giáo viên trường Phú Nghĩa đã được tập huấn thực hiện chương trình SCREAM, nhấn mạnh, cô đã quan sát được những sự thay đổi đáng kể từ sau khi phương pháp sáng tạo này được đưa vào giảng dạy.

Cô Oanh nhận xét: “Chúng tôi tin tưởng rằng các em có thể giải thích hậu quả của lao động trẻ em và các quy định pháp lý về vấn đề này cho gia đình và những người chăm sóc mình”. Cô nói tiếp, hiệu quả của phương pháp SCREAM là khuyến khích sự tham gia tích cực của học sinh, là một cách truyền tải thông tin hiệu quả.

Phương pháp sáng tạo này thúc đẩy người nghe trực tiếp tham gia nâng cao nhận thức và phòng chống lao động trẻ em hơn các cách tiếp nhận thông tin bị động thông thường. Điều này giúp tăng cường tác động của các thông điệp đến người nghe.

Như một minh chứng cho điều này, Mai, em học sinh đã thuyết trình tại sự kiện nói, tuy hoạt động này là một thử thách đối với em nhưng cũng là một kinh nghiệm em sẽ không bao giờ quên.

Theo em Nam, một học sinh đóng vai trong vở kịch, kiến thức về lao động trẻ em của em trước khi tham gia chương trình rất hạn chế nhưng bây giờ em đã hiểu rõ nguyên nhân và hậu quả của nó ở mức độ sâu hơn rất nhiều.

Tuy mới chỉ đang ở giai đoạn đầu thực hiện nhưng cô Oanh dự đoán là chương trình SCREAM sẽ có tác động làm giảm số trẻ em có nguy cơ rơi vào tình trạng lao động trẻ em trong cộng đồng. Cô cho rằng, khi trẻ em nắm được kiến thức về lao động trẻ em sâu sắc hơn, các em sẽ tác động đến tư duy của gia đình và những người chăm sóc mình.

Mức độ kiến thức và hiểu biết sâu về lao động trẻ em của toàn xã hội là yếu tố quan trọng để ngăn chặn và xóa bỏ lao động trẻ em hiện vẫn còn là một vấn đề cần thực hiện ngay. Ước tính hiện nay có khoảng 152 triệu lao động trẻ em trên toàn thế giới.

Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Khảo sát quốc gia về lao động trẻ em năm 2012 đã đưa ra con số cả nước có hơn 1.7 triệu lao động trẻ em từ 5 đến 17 tuổi. Con số này tương đương với một phần mười trẻ em trên toàn quốc. Các phát hiện đã chỉ ra rằng một phần ba số lao động trẻ em phải làm việc trên 42h/tuần, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đến trường của các em. Khảo sát này cũng cho thấy 42% trẻ em đang làm việc tại việc không đi học.

Các em học sinh trình diễn một xê-ri 3 vở kịch do học sinh sáng tác về chủ đề lao động trẻ em.
Với trọng trách thúc đẩy việc làm bền vững cho tất cả mọi người, ILO hoạt động nhằm đảm bảo tất cả trẻ em được bảo vệ không bị bóc lột lao động và quyền đi học của các em được đảm bảo. Điều này sẽ giúp đảm bảo rằng các thế hệ tương lai có thể tiếp cận được với những công việc an toàn và hiệu quả như người lớn và có thể có được cuộc sống tốt hơn cho bản thân và gia đình.

Để đưa mục tiêu này vào hiện thực tại Việt Nam, Chính phủ đã cam kết thực hiện Mục Tiêu phát triển bền vững 8.7 là đến năm 2025 sẽ chấm dứt mọi hình thức lao động trẻ em và đến năm 2030 sẽ xóa bỏ buôn bán người và nô lê hiện đại. Với cam kết của Chính phủ thực hiện mục tiêu này, Việt Nam là quốc gia tiên phong thực hiện Mục tiêu 8.7- hợp tác toàn cầu thúc đẩy tiến trình hướng tới mục tiêu trọng yếu này.

Để hỗ trợ những nỗ lực của Chính Phủ, Dự án ENHANCE của ILO phối hợp với Cục Trẻ Em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện một hoạt động toàn diện đa ngành nhằm ứng phó với tình trạng lao động trẻ em tại Việt Nam. Từ khi bắt đầu thực hiện vào năm 2016, Dự án đã tiến hành nhiều hoạt động với ba cấu phần: xây dựng năng lực, can thiệp trực tiếp và nâng cao nhận thức.

SCREAM là một trong những hoạt động quan trọng trong chiến lược của dự án nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng. Sau khi chỉnh sửa phương pháp SCREAM cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam vào năm 2018, Dự án ENHANCE đã hỗ trợ tập huấn SCREAM cho cán bộ các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và Sở Giáo dục và Đào tạo để tập huấn cho các giảng viên tại ba tỉnh mục tiêu của dự án gồm Hà Nội, Hồ Chí Minh và An Giang.

Kết quả của hoạt động này là các giảng viên đã được tập huấn truyền tải phương pháp SCREAM cho các học sinh và tổ chức nhiều sự kiện SCREAM với sự tham gia của hàng nghìn học sinh, hộ gia đình, giáo viên, cán bộ và các cộng tác viên chăm sóc và bảo vệ trẻ em.

Với sự thành công của các hoạt động này, Dự án ENHANCE sẽ tiếp tục hỗ trợ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phát triển lực lượng giảng viên cấp quốc gia tại 63 tỉnh thành của Việt Nam. Như vậy, dự kiến các sự kiện SCREAM sẽ tiếp tục được nhân rộng trên toàn quốc sau khi dự án kết thúc. Điều này sẽ giúp Chính phủ kết hợp phương pháp SCREAM trong quá trình thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia Phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em.

Sử dụng sức mạnh của giáo dục và nghệ thuật để thay đổi nhận thức về lao động trẻ em và tích cực thúc đẩy các nhóm mục tiêu tham gia vào quá trình này, kết quả dài hạn sẽ được duy trì, vì giới trẻ hiện nay lớn lên sẽ là những ông bố bà mẹ, người lao động, nhà tuyển dụng, những người ra quyết định trong tương lai, họ sẽ tiếp tục tác động đến sự thay đổi của xã hội. Học sinh trường Phú Nghĩa là minh chứng cho thấy khi được trao quyền với những kiến thức và công cụ để giao tiếp về quyền của mình, trẻ em hoàn toàn có đủ khả năng vượt qua được thách thức này.