Thanh tra lao động

Thanh tra lao động: xử phạt hay tư vấn để doanh nghiệp phát triển bền vững?

Thanh tra lao động thường chỉ được xem như lực lượng thi hành pháp luật với công cụ là cảnh cáo và xử phạt. Tuy nhiên, phương pháp tiếp cận hiện đại của thanh tra lao động lại nhấn mạnh vai trò tư vấn nhằm phòng ngừa sai phạm.

Bài viết | Ngày 25 tháng 3 năm 2016
HÀ NỘI – Làm việc tại công ty may Tân Hà thuộc tỉnh Hà Nam đã được bốn năm nhưng anh Trần Sỹ Lâm chưa lúc nào cảm thấy hài lòng về điều kiện làm việc tại đây như hiện nay.

Nhiều lĩnh vực – từ cơ sở vật chất như hệ thống chiếu sáng, thông gió cho tới những phúc lợi khác cho công nhân bao gồm bảo hiểm xã hội và hỗ trợ đi lại – đều được cải thiện chỉ trong một thời gian ngắn với sự giúp đỡ của thanh tra lao động.

Mặc dù thấy rằng trước đây ban lãnh đạo công ty cũng đã có chú ý tới điều kiện làm việc cho người lao động, nhưng anh Lâm phải công nhận: “Mọi thứ bây giờ tốt hơn và người lao động có tâm lý tốt hơn khi đi làm.”

Giám đốc công ty Nguyễn Văn Phẩm cũng hoàn toàn chia sẻ ý kiến đó.

Cho tới nửa đầu năm 2015, nghĩa là đã tám năm kể từ ngày công ty được thành lập, giám đốc Phẩm vẫn còn khá chật vật để đảm bảo thực hiện được các yêu cầu của pháp luật lao động tại nơi làm việc. Khi đoàn thanh tra tới kiểm tra nhà máy lần đầu vào tháng 7 năm ngoái, 175 công nhân của Tân Hà lúc đó vẫn phải làm việc trong điều kiện hệ thống thông gió không đảm bảo và cửa thoát hiểm bị chặn. Công ty cũng không lập thỏa ước lao động tập thể đúng quy định và không trả đủ bảo hiểm xã hội cho người lao động. Ít nhất 13 vi phạm đã được thanh tra lao động chỉ ra.

Ngoài mong đợi của giám đốc Phẩm, thanh tra viên không những không xử phạt mà còn tư vấn và khuyến nghị doanh nghiệp sửa đổi.

Đại diện ban lãnh đạo và người lao động công ty Tân Hà, cùng các doanh nghiệp may mặc khác tại Hà Nam được mời đến một cuộc hội thảo, ở đó họ được hướng dẫn cách giải quyết các vướng mắc liên quan đến tuân thủ pháp luật tại nơi làm việc. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ Chiến dịch Thanh tra Lao động năm 2015 – một sáng kiến của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) hỗ trợ.

Với mô hình chiến dịch lần này, trước khi diễn ra các cuộc thanh tra chính thức, các doanh nghiệp cơ hội được cán bộ thanh tra lao động hướng dẫn và tư vấn về những lĩnh vực mà họ thường gặp vướng mắc trong việc tuân thủ pháp luật
.
“Những điểm kiến nghị của thanh tra giúp cho chiến lược phát triển của chúng tôi tốt hơn. Sau khi thực hiện những kiến nghị, về kinh tế chúng tôi hầu như không thiệt hại là mấy nhưng cái được thì nhiều hơn,” ông Phẩm chia sẻ.

Trong chiến dịch thanh tra đầu tiên tại Việt Nam này, hơn 300 doanh nghiệp may mặc, phần lớn ở quy mô vừa và nhỏ, tại 12 tỉnh thành, được hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động tư vấn tương tự.
Sử dụng các công cụ do ILO xây dựng, chiến dịch giúp cả ban lãnh đạo và người lao động hiểu về lợi ích của việc tuân thủ pháp luật và cho họ thấy cách tốt nhất để giải quyết các vấn đề thường gặp và đưa thực tiễn tại nơi làm việc phù hợp với luật pháp.

Cơ quan thanh tra cũng mở đường dây nóng để trả lời các câu hỏi và thắc mắc của doanh nghiệp về pháp luật lao động.

Hướng tiếp cận mới

Thông qua chiến dịch, thanh tra lao động đã áp dụng một hướng tiêp cận mới, nhấn mạnh hai vai trò quan trọng của họ -- vai trò cung cấp thông tin cho đông đảo người dân và vai trò tư vấn cho doanh nghiệp. Các thanh tra viên cũng đưa vào sử dụng bảng kiểm ngắn gọn để giảm thiểu thời gian thanh tra.

“Mọi người thường chỉ coi thanh tra lao động là những người thi hành luật, xử phạt các vi phạm tại nơi làm việc nhưng cách tiếp cận mới của thanh tra lao động còn đề cao vai trò tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phát triển một hệ thống tự tuân thủ dựa trên các thông tin và hướng dẫn của thanh tra,” TS Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam cho biết.

Trên thực tế, cách tiếp cận này đã được áp dụng thành công ở một chương trình trọng điểm của ILO trong ngành dệt may – chương trình Better Work. Chương trình phối hợp với nhiều đối tác Việt Nam, bao gồm cả thanh tra lao động, nhằm cải thiện việc tuân thủ pháp luật tại gần 400 doanh nghiệp với gần nửa triệu lao động.

“Chúng tôi khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp thay đổi một cách tự nguyện, Chánh thanh tra lao động Nguyễn Tiến Tùng chia sẻ. “Cách tiếp cận này đảm bảo tác động bền vững của hoạt động thanh tra.”

Theo TS Lee, vấn đề tuân thủ pháp luật tại các doanh nghiệp dệt may sẽ có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết bởi ngành này được dự báo sẽ là một trong số các ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng hơn của Việt Nam thông qua các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Cải thiện

Với những bài học từ các thanh tra viên lao động và các doanh nghiệp may mặc trong vùng, Tân Hà đã có những bước cải thiện đáng kể và được ghi nhận khi thanh tra viên đến kiểm tra lại vào tháng 10/2015.

Trong khi anh Lâm, nhân viên tại công ty Tân Hà, đang cảm thấy thoải mái hơn với môi trường làm việc, giám đốc Phẩm tự hào chia sẻ câu chuyện thành công của doanh nghiệp mình.

Và các thanh tra viên lại bận rộn chuẩn bị cho những chiến dịch tương tự trong các lĩnh vực khác để đảm bảo tuân thủ tốt hơn, quan hệ lao động hài hòa hơn tại nơi làm việc với sự tham gia của cả người lao động và người sử dụng lao động.