Ngày Quốc tế Lao động

Khi doanh nghiệp và người lao động cùng hưởng lợi từ đối thoại

Việc áp dụng thành công cơ chế đối thoại thường xuyên, hiệu quả giữa chủ lao động và người lao động đã góp phần tăng năng suất lao động và cải thiện điều kiện làm việc ở một doanh nghiệp chế tạo tại Việt Nam. Nó cũng cho thấy tầm quan trọng cần nhân rộng những sáng kiến như vậy để pháp luật có thể mang đến những thay đổi thực sự.

Bài viết | Bangkok Thailand | Ngày 01 tháng 5 năm 2015
ĐỒNG NAI, VIỆT NAM – Sau 17 năm làm việc tại Mabuchi Motor (doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của Nhật Bản), chị Trần Trương Nguyệt Tiên cảm thấy đôi chút ghen tị, xen lẫn tự hào, với điều kiện làm việc mà những đồng nghiệp trẻ của chị đang được hưởng ở nhà máy sản xuất motor cho xe hơi thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai này.

“Thế hệ người lao động mới bây giờ, nhất là lao động nữ, có môi trường làm việc sướng hơn nhiều so với bọn mình những năm trước đây,” người nữ công nhân 40 tuổi tâm sự.

Chị Trần Trương Nguyệt Tiên là một đại diện của người lao động trong cơ chế đối thoại với ban giám đốc ở Mabuchi Motor. Cơ chế này đã góp phần giúp cải thiện suất ăn trưa cho người lao động ở đây.
Suất ăn trưa của người lao động đã được nâng giá trị và có nhiều sự lựa chọn hơn. Phòng tắm và toilet nữ cũng được cải thiện – một yếu tố quan trọng bởi có tới 85% người lao động ở đây là nữ giới. Nữ lao động trong thời kỳ mang thai giờ đây có khu để xe riêng, an toàn hơn, và không còn bị trừ tiền thưởng khi nghỉ khám thai định kỳ theo pháp luật cho phép.

Theo chị Tiên, những thay đổi này đã tạo ra một sự khác biệt thực sự. “Chẳng hạn, hồi mình có bầu hai đứa con, mình thường phải chật vật lắm mới lấy được xe ra từ rừng xe máy và lái xe xuống từ khu để xe ở trên cao. Nói chung khá là nguy hiểm!”

Những thay đổi giúp cho cuộc sống của 5.300 lao động tại công ty trở nên tốt đẹp hơn ấy bắt đầu từ khi cơ chế mới về đối thoại chính thức và không chính thức giữa ban giám đốc và người lao động được áp dụng. Chị Tiên (được bầu làm đại diện của người lao động hơn một năm trước đây) chính là một trong số những người đã giúp mang lại những cải thiện này.

Cơ chế đối thoại khởi đầu từ sau một loạt vụ đình công xảy ra tại Mabuchi Motor trong các năm 2006-2008, để lại những tổn thất nặng nề cho doanh nghiệp. Đến năm 2013, khi Bộ Luật Lao động sửa đổi bắt đầu có hiệu lực, quy định bắt buộc về đối thoại định kỳ giữa doanh nghiệp và người lao động, cơ chế đối thoại tại đây ngày càng được hoàn thiện hơn.

Đại hội người lao động hàng năm là cơ hội để người lao động bầu ra người đại diện cho mình để thường xuyên đối thoại với chủ lao động.
Mabuchi Motor cũng được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) chọn là một trong những doanh nghiệp thí điểm để hỗ trợ thực hiện đối thoại hiệu quả giữa ban giám đốc và người lao động trong khuôn khổ Dự án về Quan hệ Lao động do Bộ Lao động Hoa Kỳ tài trợ.

Kết quả là, những cải thiện từng bước nhưng vững chắc đã được thực hiện. Người lao động giờ đây có cơ hội đối thoại với chủ sử dụng lao động 3 tháng một lần thông qua đại diện người lao động (được bầu hàng năm tại đại hội người lao động), và 1 tháng một lần thông qua công đoàn. Ngoài ra, ban giám đốc sẵn sàng tiếp xúc với người lao động bất cứ lúc nào khi có việc cần gấp, cũng như người lao động có thể gửi ý kiến vào các hộp thư trong nhà máy.

“Chúng tôi giờ đây có thể dễ dàng đối thoại trực tiếp với ban giám đốc. Điều này khiến cho những người lao động như tôi cảm thấy rằng tâm tư, nguyện vọng của mình luôn được lắng nghe, và mọi người không cần phải nghĩ đến đình công nữa,” chị Đồng Ngọc Trâm Anh, một lao động đã làm việc ở Mabuchi Motor được 13 năm, cho biết. “Trước đây thì không được như thế, cũng như ở những chỗ làm trước của tôi không bao giờ có đối thoại với ban giám đốc.”

Chị Phạm Thị Phương, chủ tịch công đoàn của doanh nghiệp giải thích thêm: “Cả ban giám đốc và người lao động đều xác định được rằng đối thoại là việc cần thiết, và công đoàn đã luôn chủ động xúc tiến, thúc đẩy phía ban giám đốc, chủ động dọn sẵn quá trình xây dựng các chính sách, quy định về đối thoại định kỳ và bất thường.”

Mabuchi Motor là một trong những doanh nghiệp thí điểm được ILO hỗ trợ thông qua dự án Quan hệ Lao động do Bộ Lao động Hoa Kỳ tài trợ nhằm tăng cường cơ chế dối thoại hiệu quả giữa ban giám đốc và người lao động.
Ông Phạm Hoàng Đức Nam, Phó Giám đốc Mabuchi Motor, cho rằng doanh nghiệp đã được hưởng lợi nhiều từ chính những cơ chế đối thoại này.

Ông chia sẻ: “Thông qua đối thoại, ban giám đốc thấy được tâm tư, nguyện vọng của người lao động để có thể đưa ra những phản ứng kịp thời, và đáp ứng thích hợp nếu những yêu cầu đó là thỏa đáng. Nhờ vậy, chúng tôi có thể ngăn chặn trước được đình công, giảm thiểu tổn thất đối với hoạt động sản xuất của công ty.”

Ông Nam cũng chỉ ra rằng năng suất lao động đã tăng lên 44% trong 6 năm từ 2008 đến 2014 và tỷ lệ công nhân thôi việc giảm từ 3% năm 2008 xuống còn 1% trong năm 2014, một phần là nhờ có cơ chế đối thoại hiệu quả. Ông tin rằng những tiến bộ đáng ghi nhận này thể hiện rằng nhân viên giờ đây yên tâm làm việc hơn, nhờ có niềm tin vào ban giám đốc.

Theo Giám đốc ILO tại Việt Nam, ông Gyorgy Sziraczki, việc xác lập cơ chế đối thoại thường xuyên giữa chủ lao động và người lao động tại cấp doan nghiệp chỉ có thể thành công khi bản thân doanh nghiệp thấy được những lợi ích thực sự từ cơ chế đó, và cả hai bên được trang bị những kỹ năng đàm phán tốt hơn.

“Điều đó phải có ý nghĩa trên phương diện kinh tế. Chỉ khi doanh nghiệp nhận ra tại sao đối thoại lại có lợi cho năng suất lao động và năng lực cạnh tranh, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế, khi đó họ mới thực sự cam kết thực hiện cơ chế đó một cách bền vững,” ông nhận định. “Thế nhưng, trên thực tế, còn rất nhiều điều phải làm để khuyến khích các doanh nghiệp khác học theo những mô hình thành công như Mabuchi Motor, từ đó giúp pháp luật trở nên hiệu quả hơn trên thực địa.”