Phỏng vấn

Chính phủ cần tiếp tục tăng cường bảo hiểm y tế xã hội vì một dân số khỏe mạnh

Bà Marielle Phe Goursat, quản lý dự án của ILO về “Hỗ trợ mở rộng diện bao phủ Bảo hiểm y tế ở Đông Nam Á”, chia sẻ về những ưu tiên của dự án và làm thế nào để giúp chương trình bảo hiểm y tế xã hội của Việt Nam bền vững hơn.

Tin | Ngày 12 tháng 12 năm 2019

Bà Marielle Phe Goursat, quản lý dự án
ILO đang triển khai dự án “Hỗ trợ mở rộng diện bao phủ Bảo hiểm y tế khu vực Đông Nam Á”. Bà có thể chia sẻ thông tin về điểm nhấn của dự án?


Dự án của ILO “Hỗ trợ mở rộng diện bao phủ Bảo hiểm y tế ở Đông Nam Á” là một dự án kéo dài 42 tháng được tài trợ bởi Đại Công quốc Luxembourg. Dự án tập trung vào ba mục tiêu quốc gia: Việt Nam, Lào và Myanmar.

Như tên gọi của nó, mục đích của dự án là hỗ trợ phụ nữ và nam giới được tiếp cận bảo hiểm y tế (BHYT) đầy đủ để họ có thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng khi cần, mà không gặp khó khăn về tài chính.

Dự án góp phần thực hiện các chính sách và chiến lược quốc gia hiện có và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững SDG 1 (Không còn đói nghèo), 3 (Sức khỏe tốt và phúc lợi), 5 (Bình đẳng giới), 8 (Việc làm và tăng trưởng kinh tế), 10 (Giảm bất bình đẳng). Một mục tiêu cụ thể đầu tiên của dự án là góp phần tăng cường năng lực thể chế và sự bền vững tài chính của các chương trình BHYT xã hội.

Với mục đích đó, dự án hỗ trợ ở mỗi quốc gia, như sau: (i) Tăng cường quản lý và vận hành các chương trình BHYT xã hội; (ii) Cải cách chính sách, bao gồm triển khai các nghiên cứu khoa học làm cơ sở cho xây dựng chính sách, đối thoại xã hội, hỗ trợ kỹ thuật; (iii) Nâng cao năng lực bảo vệ sức khỏe xã hội, thông qua đào tạo ngắn hạn và dài hạn.

Dự án cũng có một hợp phần khu vực, nhằm mở rộng nền tảng kiến thức khu vực về BHYT, cung cấp kiến thức toàn cầu hiện có để áp dụng ở các khu vực khác trên thế giới. Với mục đích đó, dự án hỗ trợ thành lập hiệp hội khu vực có tên “CONNECT (Kêt nối) vì bảo hiểm y tế”. Nhiệm vụ của CONNECT là tăng cường năng lực của các quốc gia ở châu Á và Thái Bình Dương để phát triển và thực hiện các chính sách, chiến lược và hệ thống y tế mạnh mẽ, bền vững và toàn diện để BHYT đóng góp vào thành tựu của chăm sóc sức khỏe toàn dân. Mục tiêu cốt lõi của CONNECT là thúc đẩy phát triển kiến thức và nâng cao năng lực về BHYT ở Đông Nam Á. CONNECT cũng nhằm thực hiện các chiến dịch truyền thông và nâng cao nhận thức đổi mới hướng tới vận động chính sách, vận động xã hội và thay đổi hành vi về bảo hiểm y tế. Các thành viên sáng lập của CONNECT là Đại học Mahidol (Thái Lan), Viện Chiến lược và Chính sách Y tế Việt Nam, Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc , Đại học Quốc gia Seoul và ILO. Thông qua các thành viên của mình, CONNECT đã cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực (như khóa học khu vực mà chúng ta đang nói tới này về mô hình đánh giá tài chính quỹ BHYT) và cung cấp các cơ hội nghiên cứu.

Công nhân khám sức khỏe định kỳ tại một nhà máy may ở tỉnh Hưng Yên. ©ILO/Nguyễn Việt Thanh

Tại Việt Nam, dự án tập trung hỗ trợ quá trình sửa đổi Luật Bảo hiểm Y tế, bao gồm nghiên cứu, hỗ trợ tư vấn và đối thoại, đánh giá tác động của Luật sửa đổi. Chúng tôi cũng nhấn mạnh nâng cao năng lực: đào tạo ngắn hạn về bảo vệ sức khỏe xã hội, mô hình đánh giá tài chính quỹ BHYT, học bổng toàn phần theo học tại Đại học Mahidol (Thạc sĩ Quản lý chăm sóc sức khỏe ban đầu, chuyên ngành Bảo vệ sức khỏe xã hội), v.v. Ngoài ra, chúng tôi cũng làm việc chặt chẽ với các đối tác xã hội (tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động). Chẳng hạn phối hợp với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nâng cao nhận thức của người lao động về các quyền lợi của họ đối với các lợi ích về sức khỏe, thai sản và bệnh tật.

Là một trong những quốc gia đang phát triển ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam hiện đã đạt bao phủ BHYT 89,7% dân số. Bà bình luận như thế nào về con số này?


Trong 25 năm triển khai BHYT xã hội, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ to lớn đối với chăm sóc sức khỏe toàn dân. Với việc công nhận quyền an sinh xã hội, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe trong Hiến pháp 2013 của nước Việt Nam, Chính phủ đã khẳng định ưu tiên cho Bảo hiểm y tế toàn dân. Hiện tại, Chính phủ Việt Nam đang hướng tới mục tiêu 90,7% tham gia bảo hiểm y tế xã hội vào năm 2020, với 100% người nghèo, người già và các nhóm dễ bị tổn thương khác được bảo hiểm. Việt Nam đang tiến nhanh để đạt mục tiêu này. Những thách thức phía trước chủ yếu sẽ bao gồm duy trì thành tựu này, đảm bảo rằng những người hiện đang hưởng lợi từ các khoản trợ cấp của Nhà nước sẽ tiếp tục đóng góp sau khi thoát nghèo, và mở rộng bao phủ bảo hiểm đến tầng lớp dân trung bình để bảo vệ sức khỏe xã hội phổ quát trở thành hiện thực ở Việt Nam

Dù đã đạt diện bao phủ BHYT khá cao, nhưng theo Bà, đâu là những thách thức mà Việt Nam sẽ phải đối mặt trong tương lai?

Mặc dù đã đạt diện bao phủ BHYT cao, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức để đảm bảo rằng người dân sẽ tiếp tục được chăm sóc sức khỏe chất lượng mà không gặp khó khăn về tài chính. Trong số những thách thức này, tài chính của ngành y tế đặc biệt quan trọng, trong bối cảnh chi phí chăm sóc ngày càng tăng do sự kết hợp của nhiều yếu tố. Mặc dù tuổi thọ tăng lên tất nhiên là một thành tựu lớn đối với Việt Nam, dân số già hóa nhanh chóng gây ra những lo ngại về việc triển khai cung cấp và nguồn tài chính cho Chăm sóc dài hạ. Sự phát triển cũng mang đến sự thay đổi trong lối sống, đôi khi ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người dân, đặc biệt là tỷ lệ hút thuốc và béo phì. Tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do ô nhiễm không khí cũng là một mối quan tâm chính cần được giải quyết. Do đó, việc tiếp tục nỗ lực của Chính phủ về tăng cường và phòng ngừa sức khỏe là rất cần thiết để đảm bảo một dân số khỏe mạnh, đồng thời kiểm soát chi phí.

Theo Bà, Việt Nam cần triển khai các biện pháp gì để đảm bảo phát triển BHYT mang tính bền vững hơn?

Để đảm bảo tính bền vững tài chính của chương trình BHYT xã hội (không riêng đối với Việt Nam), điều quan trọng trước tiên là phải biết chương trình BHYT đứng ở đâu so với mức cân bằng tài chính. Với mục đích đó, thực hiện phân tích tài chính quỹ thường xuyên để đánh giá tình hình tài chính hiện tại và tương lai của chương trình, cũng như xem xét sự thỏa đáng về mức quyền lợi là điều rất cần thiết cho việc quản trị tốt chương trình. Điều này nên được thực hiện ít nhất năm năm một lần. Ngoài ra, các điều chính chính sách dựa trên bằng chứng thích hợp phải được tiến hành để đảm bảo kiểm soát chi phí và tạo nguồn thu đầy đủ, thông qua đối thoại xã hội và liên quan chặt chẽ với tất cả các bên liên quan thông qua cách tiếp cận liên ngành trong chính phủ, không chỉ là ngành y tế. Tiếp tục cam kết với chăm sóc sức khỏe toàn dân và an sinh xã hội ở cấp chính trị cao nhất (mà Việt Nam đã đạt được) đặc biệt quan trọng trong bối cảnh này. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, tiếp tục đầu tư vào việc tăng cường và phòng ngừa sức khỏe để người dân không bị bệnh ngay từ đầu, sẽ không chỉ đảm bảo một quốc gia khỏe mạnh và có năng suất cao, mà còn cho phép kiểm soát chi tiêu cho y tế và bệnh tật.

*Bài phỏng vấn đã được đăng trên Tạp chí Bảo hiểm Xã hội.