Phỏng vấn

Việt Nam luôn nắm bắt được những cơ hội mới và phát huy tốt tiềm lực của mình

Phỏng vấn Bà Rie Vejs-Kjeldgaard, Giám đốc Ban Quan hệ Đối tác và Hỗ trợ các Văn phòng quốc gia, Tổ chức Lao động Quốc tế

Tin | Ngày 17 tháng 10 năm 2019
Bà Rie Vejs-Kjeldgaard, Giám đốc Ban Quan hệ Đối tác và Hỗ trợ các Văn phòng quốc gia, Tổ chức Lao động Quốc tế, chia sẻ những góc nhìn về lao động tại Việt Nam.
Việt Nam đã phê chuẩn thêm ba công ước của ILO riêng trong năm 2019, trong đó có Công ước số 98 về thương lượng tập thể là công ước cơ bản. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với quan hệ giữa ILO và Việt Nam, thưa Bà?

Trước tiên, tôi xin chúc mừng Việt Nam đã phê chuẩn thêm ba công ước trong năm nay, đây quả là một thành tựu lớn.

Trong ba công ước đó, Công ước số 98 về thương lượng tập thể là công ước cơ bản. Công ước thứ hai là nhằm thúc đẩy cơ hội việc làm bình đẳng cho người khuyết tật và công ước thứ ba về dịch vụ việc làm nhằm thúc đẩy tính hiệu quả của thị trường lao động.
Việc phê chuẩn những công ước này là một thành tựu lớn mà Việt Nam đã đạt được, giúp đặt nền móng để Việt Nam tiếp tục công cuộc phát triển kinh tế xã hội.

Đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn 24 công ước của ILO liên quan đến các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Nhưng ba công ước mới đây phê chuẩn là những dấu mốc mới quan trọng đối với Việt Nam.

Để thu hút được sự quan tâm của các đối tác phát triển, Việt Nam cần xác định rõ mình muốn gì, sẽ phát triển như thế nào và cần hỗ trợ nào từ các đối tác phát triển, bao gồm cả ILO."

Bà Rie Vejs-Kjeldgaard, Giám đốc Ban Quan hệ Đối tác và Hỗ trợ các Văn phòng quốc gia, Tổ chức Lao động Quốc tế
Điều quan trọng cần ghi nhận ở đây là để tiến tới việc phê chuẩn một công ước, các quốc gia đều phải trải qua một chặng đường dài để chuẩn bị, có khi mất hàng năm. Khi công ước đã được phê chuẩn, các công việc để hỗ trợ thực hiện công ước không dừng ở đó. Điều đó chỉ đơn giản có nghĩa là bạn đã đạt đến dấu mốc mới và đó lại là điểm khởi đầu của một chặng đường khác, chặng đường triển khai và hiện thực hóa công ước.

Chặng đường tiến tới phê chuẩn công ước cũng như thực hiện công ước sẽ không thực hiện được nếu thiếu đi sự tham gia tích cực của nhiều bên tại Việt Nam – đó là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐVN), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam và các bên liên quan khác. Quá trình này cũng đòi hỏi sự hợp tác hiệu quả với ILO tại Việt Nam. Và khi ILO đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam và các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động để hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật, điều đó cũng đồng nghĩa với những hỗ trợ về tài chính và chiến lược mà các đối tác phát triển dành cho Việt Nam. Để tiếp tục tiến bước trên con đường phía trước, sự hỗ trợ liên tục của họ là vô cùng cần thiết và ILO Việt Nam và tổ chức ILO nói chung luôn sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam trên con đường này.

Khi giờ đây đã là một quốc gia thu nhập trung bình, Việt Nam có gặp trở ngại gì trong việc tiếp cận hỗ trợ quốc tế trong lĩnh vực lao động việc làm hay không, thưa Bà?

Đây là một câu hỏi thú vị bởi đúng là các đối tác phát triển thường quan tâm chủ yếu đến các quốc gia có thu nhập thấp. Tuy nhiên, một sự thực được ghi nhận là dù một quốc gia có ở vị thế thu nhập trung bình, quốc gia đó vẫn có thể phải đối diện với nhiều thách thức về cả mặt kinh tế và xã hội. Đó không chỉ là trường hợp của riêng Việt Nam, mà các quốc gia khác cũng vậy.

Giờ đây Việt Nam đã là một nước thu nhập trung bình, nhưng Việt Nam vẫn đối diện với nhiều thách thức và các đối tác phát triển mong muốn được sát cánh bên Việt Nam để tiếp tục đạt được nhiều tiến bộ hơn nữa mặc dù họ có thể muốn tập trung hỗ trợ theo một cách khác. Đồng thời, họ cũng muốn hợp tác với Việt Nam với mong muốn Việt Nam sẽ phát triển và ngày càng có khả năng tự đứng vững trên đôi chân mình với những nguồn lực của chính mình.

Theo Bà, đâu là hướng đi của Việt Nam để tiếp tục tận dụng sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực lao động – việc làm?

Tôi cho rằng có nhiều đối tác phát triển mong muốn đồng hành với Việt Nam trên chặng đường phía trước. ILO và các đối tác phát triển của ILO luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam.

Để thu hút được sự quan tâm của các đối tác phát triển, Việt Nam cần xác định rõ mình muốn gì, sẽ phát triển như thế nào và cần hỗ trợ nào từ các đối tác phát triển, bao gồm cả ILO. Cho đến nay, Việt Nam đã luôn làm tốt điều này và cần tiếp tục phát huy. Điều đó cũng có nghĩa là Việt Nam cần xác định rõ những thách thức mình đang phải đối diện về cả lĩnh vực kinh tế, việc làm, xã hội và cả những thách thức về môi trường trong thế giới của các mục tiêu phát triển bền vững ngày nay.

Bà đã từng giữ vị trí Giám đốc ILO Việt Nam trong giai đoạn 2007-2011. Trở lại Việt Nam lần này, Bà nhận thấy Việt Nam đã thay đổi như thế nào?

Khi tôi có vinh dự được sống ở Việt Nam gần 5 năm, kể từ năm 2007 đến 2011, đó cũng chính là thời kỳ Việt Nam từ một nước có thu nhập thấp hơn vượt qua ngưỡng trở thành nước có thu nhập trung bình, đó thực sự là một thành tựu ấn tượng. Đó là thời kỳ Việt Nam có nhiều sáng kiến về lao động, việc làm và xã hội, có thể kể đến việc xây dựng các chiến lược về việc làm và chiến lược phát triển kỹ năng hay cải thiện cơ sở dữ liệu về lao động xã hội. Thời điểm đó, Việt Nam cũng đã phê chuẩn một số công ước của ILO. Tất cả điều đó đã tạo cơ sở để Việt Nam tiến đến ngày hôm nay.

Giờ đây Việt Nam đã là nước có thu nhập trung bình thấp và chỉ vài năm nữa thôi, Việt Nam sẽ tiếp tục vươn lên trở thành nước thu nhập trung bình cao. Điều đó có nghĩa là thị trường lao động và tình hình lao động việc làm đã và đang thay đổi đáng kể. Dân số và lực lượng lao động tăng lên về quy mô. Một số vấn đề mà chúng tôi chú trọng trong thời gian tôi làm việc tại Việt Nam giờ đây đã không còn là thách thức nữa nhưng lại xuất hiện những thách thức mới. Chẳng hạn như, khi tôi ở đây, thách thức là làm thế nào để tiếp nhận lao động từ nông thôn muốn ra thành thị để tìm việc làm. Nhưng giờ đây, thách thức lại là vấn đề thiếu hụt lao động. Và không lâu nữa, dân số già hóa sẽ trở thành một vấn đề của Việt Nam. Dù một quốc gia có phát triển đến đâu, vẫn luôn có những vấn đề mới mà họ phải đối diện. Nhưng Việt Nam đã luôn nắm bắt được những cơ hội mới và vận dụng tốt tiềm lực của mình – tiến bộ đạt được vì thế rất lớn.

Với cá nhân tôi, những năm ở Việt Nam là quãng thời gian đẹp nhất đối với tôi và cả gia đình. Bởi thế, tôi thực sự xúc động và vui mừng khi được trở lại đây. Chỉ với vài ngày ở Hà Nội thôi, tôi đã có thể nói rằng thay đổi lớn nhất là Hà Nội đã có rất nhiều trung tâm mua sắm mới và các tòa nhà cao tầng nhưng cái hồn của Hà Nội và cảm giác khi ở Hà Nội là không thay đổi.

Giao thông vẫn vô cùng đông đúc, có thêm nhiều ô tô những cũng nhiều xe đạp hơn. Tôi nhận thấy vấn đề môi trường được đưa ra thảo luận nghiêm túc, tôi thấy điều đó rất ấn tượng và cũng rất cần thiết.
Tiếc rằng các con tôi không thể sang Việt Nam cùng tôi lần này vì bận học. Vậy nên tôi phải chụp ảnh gửi cho các con liên tục để các cháu vẫn có thể nhận ra những góc phố quen thuộc ở đây. Và tôi dám chắc là món phở vẫn ngon như 10 năm trước.

Điều quan trọng nhất với tôi trong lần trở lại này là tôi lại được gặp lại những người bạn và điều đó thật tuyệt vời.

Trong những ngày qua, Bà đã tham gia cùng đoàn các đối tác phát triển tới Việt Nam. Xin Bà chia sẻ một số ý kiến đánh giá về chuyến thăm lần này?

Tôi tham gia cùng đoàn trong chuyến thăm lần này bởi vì tôi muốn nhiều đối tác phát triển của ILO được chứng kiến ILO có thể hợp tác với một quốc gia như thế nào. Tất nhiên là tôi nghĩ ngay tới Việt Nam vì những thành công của Việt Nam cũng như những thành tựu phát triển mà Việt Nam đạt được hiện tại và sẽ tiếp tục đạt được trong tương lai. Tôi muốn cho các đối tác phát triển thấy được một chương trình toàn diện của ILO, trong đó có cả nguồn tài chính linh hoạt, hoạt động như thế nào ở cấp quốc gia. Và đặc biệt tôi muốn cho họ thấy khi ILO hợp tác chặt chẽ với Bộ LĐTBXH, Tổng LĐLĐVN, VCCI và Liên minh HTXVN, chúng ta có thể đạt được những kết quả to lớn và tận dụng được tối đa sự hỗ trợ của ILO.

Đối tác phát triển là các quốc gia có quan tâm mong muốn tài trợ cho công việc của ILO. Có chín đối tác đã tham gia chuyến thăm lần này. Tất cả họ đều thể hiện sự ngưỡng mộ trước những thành tựu mà Việt Nam đạt được cũng như đánh giá cao sự hợp tác của ILO với các đối tác tại Việt Nam. Họ đều vui mừng được chứng kiến những tác động của nguồn tài chính linh hoạt đối với Việt Nam khi những nguồn lực này được sử dụng để thúc đẩy việc làm thỏa đáng trong khu vực kinh tế phi chính thức và hiện đại hóa hệ thống cơ sở dữ liệu của Việt Nam. Đoàn đại biểu cũng thể hiện ấn tượng sâu sắc với Việt Nam bởi nhiều người trong số họ trước đó chưa từng đến đây và họ cũng đặc biệt ấn tượng bởi nét đẹp, sự tử tế, thân thiện và năng động của đất nước này.