Tương lai việc làm

Việt Nam cần lực lượng lao động có kỹ năng tốt hơn để nâng tầm phát triển kinh tế

Nhân ngày Quốc tế Lao động, bà Valentina Barcucci, chuyên gia kinh tế lao động, Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam, chia sẻ về những thay đổi trong thị trường lao động Việt Nam và sự cần thiết phải đối mới mảng quan trọng này.

Bình luận | Ngày 01 tháng 5 năm 2019

Chúng ta thường nói rằng nền kinh tế Việt Nam đã và đang thay đổi, kéo theo sự thay đổi của thị trường lao động. Vậy trên thực tế, điều này có nghĩa là gì? Ngày nay, cách người ta làm việc, lao động có khác gì với trước đây không?

Có một số cách trả lời cho câu hỏi này bởi vì có thể nhìn nhận nền kinh tế Việt Nam ở nhiều khía cạnh khác nhau để nhận thấy những gì đã và đang thay đổi, với thị trường lao động cũng vậy.

Tuy nhiên, với mục đích của buổi chia sẻ hôm nay, chúng ta có thể chỉ ra một yếu tố được xem là một trong những biểu tượng của sự thay đổi của Việt Nam là độ mở thương mại. Chẳng hạn, chúng ta hãy nhìn vào lĩnh vực xuất khẩu, khối lượng và cơ cấu xuất khẩu ngày nay đã khác biệt đáng kể so với hai mươi năm trước đây1 . Trong những năm giữa thập kỷ 90, tỷ trọng xuất khẩu gần như là lớn nhất (gần một phần hai) bao gồm cà phê, gạo và các sản phẩm nông nghiệp. Tiếp đến là dệt may, chiếm gần một phần ba tổng giá trị xuất khẩu.

Cơ cấu xuất khẩu ngày nay phức tạp hơn nhiều so với trước đây. Tỷ trọng nông nghiệp và dệt may đã giảm tương đối. Nổi lên là ngành điện tử cùng với các ngành công nghiệp khác cũng như ngành dịch vụ. Mặc dù khối lượng xuất khẩu của cả nông nghiệp và dệt may đã tăng lên đáng kể xét về số tuyệt đối, xét về tương đối hai ngành này đã bị thu hẹp do ngày nay Việt Nam xuất khẩu nhiều loại sản phẩm và dịch vụ hơn ra các thị trường quốc tế.

Khi sản phẩm đất nước xuất khẩu thay đổi, chúng ta cũng kỳ vọng nhận thấy sự thay đổi trên thị trường lao động để phản ánh sự chuyển dịch này. Một phân tích về thị trường lao động Việt Nam ngày nay so với hai mươi năm trước đây đã xác nhận dự đoán này. Tại thời điểm năm 2000, gần hai phần ba2 (65,3%) lực lượng lao động có việc làm thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Hai mươi năm sau đó, tỷ trọng hai phần ba thuộc lĩnh vực nông nghiệp đó đã giảm xuống còn khoảng một phần ba (37,2%3 ). Tỷ lệ một phần ba tăng thêm đó nay được phân bổ giữa lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp. Trong khi tại thời điểm năm 2000, nông nghiệp là lĩnh vực tuyển dụng nhiều lao động nhất cả nước thì ngày nay lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp tuyển dụng số lao động gần tương đương nhau (lần lượt là 37,3% và 37,2%) và theo sát là lĩnh vực công nghiệp (25,5% tổng số việc làm).4

Một chỉ số thú vị mà chúng ta sử dụng để phân tích thị trường lao động là tình trạng việc làm, ở Việt Nam thường gọi là hình thức việc làm. Chỉ số này cho chúng ta biết chẳng hạn như bao nhiêu phụ nữ và nam giới trong lực lượng lao động tham gia vào việc làm của gia đình. Chúng ta thường thấy lực lượng lao động tham gia vào việc làm của gia đình chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực kinh tế nông thôn. Một điều thú vị có thể nhận thấy là tổng tỷ trọng lao động tham gia vào việc làm của gia đình trên tổng số việc làm đã giảm hơn một nửa trong 20 năm qua. Trái lại, do ngành công nghiệp đã trở thành một ngành tuyển dụng nhiều lao động hơn, không ngạc nhiên khi nói rằng tỷ trọng người lao động trên tổng số việc làm đã tăng hơn gấp đôi trong vòng 20 năm.

Phân tích này cũng cho thấy rằng có một yếu tố không mấy thay đổi so với những yếu tố khác và đó là sự thiệt thòi của phụ nữ trên thị trường lao động. Họ vẫn chiếm số đông trong số những người lao động gia đình, mà thường không được trả công. Và ngay cả khi phụ nữ có nhiều khả năng hơn so với nam giới để kiếm được công việc được trả công, lao động nữ vẫn bị trả công thấp hơn nam giới trung bình 10%.5

Một chủ đề nữa cũng thường được nhắc đến chính là vai trò của công nghệ đối với thị trường lao động. Bà có thể giải thích cho độc giả về vấn đề này được không?

Khi bàn luận về công nghệ và tương lai của việc làm tại Việt Nam, người ta thường tập trung vào vấn đề tự động hóa, máy móc thay thế con người, và những thách thức trong việc đào tạo lại kỹ năng cho người lao động. Với mục đích của buổi chia sẻ hôm nay, tôi muốn nhân cơ hội này nhấn mạnh thêm những yếu tố khác, bổ sung vào những tranh luận, về vấn đề công nghệ và những tác động của công nghệ đối với thị trường lao động.

Đặc biệt, báo cáo mới đây của Ủy ban Toàn cầu về Tương lai Việc làm của ILO đã nhấn mạnh vai trò của công nghệ đối với việc thúc đẩy hay kìm hãm việc làm thỏa đáng.

Công nghệ có thể giải phóng người lao động khỏi những công việc khó nhọc về thể chất, những công việc có thể nguy hiểm hoặc trong môi trường bẩn. Công nghệ cũng có thể làm giảm thiểu nguy cơ gây ra thương tích đối với người lao động. Công nghệ số, thông qua sự kết hợp giữa cảm biến và trí tuệ nhân tạo, có thể mang đến cơ hội để cải thiện mức độ an toàn của công việc. Cảm biến có thể thu thập dữ liệu về những cử động có thể gây nguy hiểm đối với người lao động, và giúp xác định các tình huống có nguy cơ cao. Cảm biến thậm chí còn có thể giúp theo dõi điều kiện lao động.

Nhưng đồng thời, báo cáo cũng nhấn mạnh rằng công nghệ có thể tạo ra những thách thức mới đối với việc làm thỏa đáng. Chẳng hạn như người lao động trên các nền tảng việc làm thường đối mặt với sự thâm hụt việc làm thỏa đáng bắt nguồn từ thực tế là không dễ để có thể xác định được tình trạng pháp lý và xã hội của họ. Người lao động không thuộc phạm vi được bảo vệ bởi pháp luật lao động và an sinh xã hội, như là tiền lương tối thiểu, thời giờ làm việc, an toàn và sức khỏe lao động và bảo hiểm xã hội.

Báo cáo cũng chỉ ra một tác động hệ lụy tiềm tàng khác liên quan đến công nghệ số đối với việc làm thỏa đáng mà người ta ít khi nhắc đến. Các công nghệ mới tạo ra khối lượng lớn dữ liệu về người lao động. Trên lý thuyết, bằng cách yêu cầu người lao động đeo vòng gắn chíp, các hệ thống thông tin có thể theo dõi nhất cử nhất động của người lao động đó. Điều này đặt ra rủi ro đối với vấn đề riêng tư của người lao động.

Những vấn đề mà tôi mới đề cập ở trên thể hiện công nghệ tác động đến thị trường lao động ở phạm vi lớn hơn nhiều và đa diện hơn so với tự động hóa. Điều đó cũng cho thấy các tổ chức của người lao động phù hợp như thế nào trong kỷ nguyên số.

Nếu phải chỉ ra ra một thách thức lớn nhất đối với sự phát triển bền vững của thị trường lao động Việt Nam, thì đó là gì, thưa Bà?

Tôi cho rằng một trong những thách thức lớn nhất là ý định lặp lại những gì đã làm. Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, và sau đó sẽ tiếp tục hướng tới vị thế quốc gia có thu nhập cao. Thách thức lớn nhất ở đây là những thế mạnh đã giúp Việt Nam trở thành một nước thu nhập trung bình thấp không nhất thiết là những yếu tố sẽ đẩy đất nước lên cấp độ cao hơn.

Ngành công nghiệp chế tạo với giá trị gia tăng thấp chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực FDI hiện tại đã và đang là công cụ khởi đầu cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, một nền công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn, với đổi mới, sáng tạo, và một lực lượng lao động có kỹ năng, lại là cần thiết để đảm bảo nền kinh tế có thể phát triển hơn nữa.

Chất lượng của nền giáo dục cơ bản của Việt Nam ở mức cao, và giáo dục cơ bản là điều mà Việt Nam cần để duy trì ngành công nghiệp chế tạo với giá trị gia tăng thấp. Tuy nhiên, giờ đây, người sử dụng lao động đòi hỏi những nhân tài với kỹ năng cao hơn, đòi hỏi phải có các hệ thống giáo dục và đào tạo nghề vận hành hiệu quả hơn và các hệ thống giáo dục cao hơn.

Việt Nam sẽ cần một mô hình tăng trưởng mới để thoát khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp và để đạt được hiện đại hóa, công nghiệp hóa cũng như tăng trưởng bền vững. Điều này cũng đòi hỏi một thị trường lao động được hiện đại hóa. Một thị trường lao động với những sinh viên tốt nghiệp từ một hệ thống phát triển kỹ năng chất lượng cao được người sử dụng lao động tin tưởng và đầu tư thời gian và nguồn lực. Một thị trường lao động cho phép học tập suốt đời; và mọi người, dù xuất thân từ gia đình với mức thu nhập nào đi chăng nữa, đều có thể tiếp cận với hệ thống giáo dục và đào tạo nghề và giáo dục đại học. Đó là một thị trường lao động với cơ chế bảo trợ xã hội toàn dân và có những thiết chế thị trường lao động được điều chỉnh theo những thay đổi của bản thân thị trường lao động đó.

Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có năng suất lao động thấp nhất trong khu vực. Bà có nhận xét gì về nhận định này, và theo bà Việt Nam cần làm gì để cải thiện năng suất lao động?

Năng suất lao động thể hiện tổng sản lượng do mỗi đơn vị lao động tạo ra trong một khoảng thời gian tham chiếu nhất định.6 Về bản chất, chỉ số này một mặt xét đến giá trị kinh tế được tạo ra bởi toàn bộ nền kinh tế, đồng thời cũng xét đến có bao nhiêu người lao động (bất kể là lao động làm công ăn lương hay lao động tự làm) nền kinh tế đó cần để tạo ra được lượng giá trị đó.

Lúc trước chúng ta đã nói rằng một trong những thách thức lớn nhất của Việt Nam là để đất nước tiếp tục phát triển kinh tế hơn nữa thì không thể dựa trên một mô hình tăng trưởng và phát triển giống như trước đây. Ở đây, năng suất lao động là một ví dụ nữa cho thấy điều này.

Một yếu tố then chốt đóng góp cho sự tăng trưởng năng suất của Việt Nam trong 2 thập kỷ qua là sự chuyển dịch từ nông trại sang nhà máy. Như tôi đã nói lúc trước, gần một phần ba lực lượng lao động đã chuyển dịch từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ trong hơn hai mươi năm qua. Tuy nhiên, có lẽ Việt Nam đã gần chạm đến điểm cận biên để sự chuyển dịch này có thể tiếp tục góp phần tăng năng suất. Giờ đây vấn đề quan trọng là phải tìm kiếm các giải pháp mới để tăng năng suất.

Quy mô của các doanh nghiệp Việt Nam cũng là một rào cản đối với tăng năng suất. Trong nhiều ngành công nghiệp và dịch vụ, chẳng hạn như ngành sản xuất, chỉ có một số doanh nghiệp lớn, hiệu năng cao, còn lại đa phần là các doanh nghiệp khá nhỏ. Việt Nam có hàng triệu hộ doanh nghiệp và số liệu thống kê được Việt Nam có 400.000 doanh nghiệp siêu nhỏ. Theo Tổng cục Thống kê, số lượng các doanh nghiệp lớn thì ít hơn nhiều, chỉ có 7.000 doanh nghiệp.

Có nhiều yếu tố giúp cải thiện năng suất lao động, và trong đó một số yếu tố có liên quan tới quy mô của doanh nghiệp. Chẳng hạn, việc tích lũy thiết bị, cải thiện tổ chức sản xuất cũng như cơ sở vật chất và việc tạo ra công nghệ mới, tất cả đều là những yếu tố giúp tăng năng suất. Những doanh nghiệp có quy mô lớn với điều kiện kinh tế tốt hơn thì sẽ dễ áp dụng những yếu tố đó hơn. Kỹ năng của người lao động cũng đóng vai trò quan trọng và doanh nghiệp nhỏ thì khó có khả năng đầu tư cho phát triển kỹ năng hơn là những doanh nghiệp lớn. Cuối cùng, sức khỏe và an toàn của người lao động, điều kiện làm việc tốt, cho phép người lao động có tiếng nói và có cơ hội được đào tạo là những yếu tố quan trọng để cải thiện năng suất. Điều này đúng với tất cả các doanh nghiệp dù quy mô lớn hay nhỏ, mặc dù ở Việt Nam, điều kiện làm việc vẫn kém hơn ở các công ty và doanh nghiệp cung ứng cho thị trường trong nước có quy mô nhỏ hơn.

Hôm nay là Ngày Quốc tế Lao động. Bà có lời khuyên nào dành cho người lao động và người sử dụng lao động ở Việt Nam để họ có thể nắm bắt được những cơ hội do sự thay đổi trong thế giới việc làm mang lại?

Lời khuyên của tôi dành cho đại diện của người sử dụng lao động và người lao động là hãy cùng tham gia. Họ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng tầm nhìn của Tương lai Việc làm và hiện thực hóa tầm nhìn đó. Một ví dụ thực tế là phát triển kỹ năng. Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều để cải cách hệ thống giáo dục nghề nghiệp và công tác quản trị hệ thống này. Trong khi chính phủ có trách nhiệm tổng quan để có được một dân số và lực lượng lao động được giáo dục tốt vì lợi ích của nền kinh tế và xã hội của đất nước, thì các tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động cũng có những vai trò quan trọng trong trách nhiệm này. Người sử dụng lao động là người kết nối với nhu cầu về kỹ năng của thị trường lao động. Vị trí cần tuyển dụng của họ thể hiện điều gì đang diễn ra trên thị trường lao động về nhu cầu kỹ năng. Mặt khác, đại diện của người lao động sẽ đóng vai trò đảm bảo việc phát triển kỹ năng không chỉ chuẩn bị cho người lao động sẵn sàng đảm nhận một công việc cụ thể trong một doanh nghiệp nhất định mà đó là cơ hội để tiếp cận với việc làm thỏa đáng. Mỗi chủ thể trong ba chủ thể này có vai trò và trách nhiệm thực hiện vai trò của mình trong việc phát triển kỹ năng. Và đây mới chỉ là một ví dụ thôi.

Tôi cũng khuyến khích đại diện của người lao động và người sử dụng lao động tham gia giám sát tiến độ và đánh giá xem liệu tầm nhìn về tương lai việc làm của Việt Nam có thực sự được hiện thực hóa hay không. Việt Nam là nước rất tiến bộ trong việc áp dụng khung Mục tiêu Phát triển Bền vững. Mục tiêu Phát triển Bền vững gồm 158 chỉ số, trong đó có 23 chỉ số liên quan tới lao động - việc làm. ILO laf cơ quan đóng vai trò giám sát 13 chỉ số. Sự tham gia của người lao động và người sử dụng lao động trong việc giám sát tiến độ thực hiện những chỉ số này giúp đảm bảo thể hiện chân thực quá trình thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững liên quan đến lao động, việc làm và môi trường doanh nghiệp tại Việt Nam. Để làm được điều này ở cấp quốc gia, sự tham gia của các tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động cần được thể chế hóa để có thể thực hiện và giám sát các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Hôm nay là Ngày Quốc tế Lao động. Đây là một ngày Quốc tế lao động đặc biệt, vì năm nay kỷ niệm 100 năm Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ra đời. 100 năm trước đây, sau cuộc chiến tranh tàn khốc, ILO được thành lập để theo đuổi một khát vọng dựa trên niềm tin rằng chỉ có thể xây dựng một xã hội hòa bình và thịnh vượng nếu xã hội đó dựa trên nền tảng công bằng xã hội. Lý tưởng đó vẫn còn nguyên vẹn cho đến ngày nay. Hôm nay chúng ta đã bàn về vấn đề Việt Nam đã thay đổi như thế nào về kinh tế cũng như xã hội. Thế nhưng, chúng ta vẫn thấy rằng ở Việt Nam hiện nay, tất cả mọi người, từ phụ nữ đến nam giới, đều cần có việc làm tốt, việc làm giúp họ sống một cuộc sống với phẩm giá, giúp họ có thể có thể cho con cái một sự giáo dục đầy đủ, giúp họ có được những hỗ trợ cần thiết khi ốm đau hoặc về già, giúp họ có được cảm giác ổn định và đạt được những mong muốn cá nhân. Tôi hy vọng Việt Nam khi tiến bước hướng tới Tương lai của Việc làm, sẽ ghi nhớ những điều quan trọng này.

__________
 1- Chỉ số đánh giá độ phức tạp của nền kinh tế, Trung tâm Phát triển Quốc tế, Đại học Harvard.
 2 - Tính toán của ILO dựa trên số liệu Điều tra Thị trường Lao động (Tổng cục Thống kê)
 3 - Ước tính của ILO dựa trên số liệu Điều tra Thị trường Lao động (Tổng cục Thống kê)
 4 - Ước tính của ILO dựa trên số liệu Điều tra Thị trường Lao động (Tổng cục Thống kê)
 5 - Tính toán của ILO dựa trên số liệu Điều tra Thị trường Lao động (Tổng cục Thống kê
 6 - Tính toán của ILO dựa trên số liệu Điều tra Thị trường Lao động (Tổng cục Thống kê)