Ngày Thế giới vì An toàn và sức khỏe tại nơi làm việc

Số liệu có thể giúp bảo vệ sức khỏe và tính mạng người lao động như thế nào?

Ngày Thế giới vì An toàn và sức khỏe tại nơi làm việc năm nay tập trung vào nhu cầu cấp thiết về nâng cao năng lực trong thu thập và sử dụng dữ liệu tin cậy về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp (AT&SKNN) của các quốc gia. Dưới đây là giải thích của Bác sĩ Francisco Santos-O'Connor (Chuyên gia cao cấp về AT&SKNN của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại khu vực châu Á) về tầm quan trọng của việc tối ưu hóa hoạt động thu thập và sử dụng dữ liệu AT&SKNN.

Bình luận | Ngày 28 tháng 4 năm 2017
Những người lao động này bất chấp tính mạng khi làm việc mà không có sự bảo vệ tại Bình Thuận. ©ILO/Nguyễn Việt Thanh

Theo ước tính mới nhất của ILO, hàng năm, có tới 1,4 triệu trường hợp tử vong liên quan đến lao động ở khu vực Châu Á và Thái Bình Dương trong tổng số 2,3 triệu trường hợp trên thế giới. Điều này có nghĩa là khu vực Châu Á và Thái Bình Dương chiếm tới 70% số tai nạn lao động chết người và 60% số trường hợp tử vong liên quan đến công việc trên toàn cầu. Hầu hết các ca tử vong liên quan đến công việc và các tai nạn không gây tử vong xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình trong khu vực.

Tuy nhiên, thực tiễn tình hình ở Châu Á Thái Bình Dương có thể còn tồi tệ hơn vì trên đây chỉ là những con số ước tính do thiếu dữ liệu thực tế.

Những khó khăn trong thu thập dữ liệu về AT&SKNN (bao gồm tính chính xác, khả năng so sánh và tính kịp thời) đã cản trở việc phân tích phạm vi, tính chất, nguyên nhân và tác động của tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

Các yêu cầu báo cáo chính thức thường dựa trên nhiều tiêu chí, mà những tiêu chí này thay đổi theo thời gian và không bao phủ tất cả các nhóm người lao động (ví dụ như lao động tự làm và lao động phi chính thức).

Trên thực tế, không quốc gia nào báo cáo được tất cả các bệnh liên quan đến lao động. Ngay cả các quốc gia có thông lệ báo cáo tốt cũng không thể báo cáo về tất cả các vụ việc, đặc biệt là những thương tích hoặc bệnh nghề nghiệp không gây tử vong. Do đó, con số chính thức chỉ giúp đánh giá một phần tình hình thực tiễn - mà cho đến nay vẫn chỉ có thể ước tính.

Tuy nhiên, những thông tin và phân tích đề cập ở trên lại là then chốt để xây dựng các chính sách hiệu quả và dựa trên bằng chứng cũng như các biện pháp phòng ngừa ở cấp quốc gia cũng như cấp độ doanh nghiệp.

Dữ liệu AT&SKNN được cải thiện có thể giúp bảo đảm môi trường làm việc cho tất cả người lao động. Nó thu hút sự quan tâm đến các hoạt động nguy cơ cao và các nhóm lao động dễ bị tổn thương nhất. Nó cho phép thanh tra lao động thực hiện nghĩa vụ phòng ngừa của mình và là phương tiện giúp các quốc gia theo dõi, đánh giá nhu cầu xây dựng chính sách và tác động của các chính sách AT&SKNN ở đất nước mình.

Trong một trăm năm qua, đã có nhiều biện pháp để cải thiện công tác báo cáo dữ liệu về AT&SKNN. Công nghệ mới cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận các nguồn thông tin, dữ liệu cập nhật về ATVSLĐ.

ILO và các quốc gia thành viên đã bắt đầu nỗ lực để cải thiện khả năng so sánh của dữ liệu ATVSLĐ từ năm 1923, khi số liệu thống kê về tai nạn lao động được đưa vào chương trình nghị sự của Hội nghị Thống kê Lao động Quốc tế lần thứ nhất. Hơn nữa, các Công ước về AT&SKNN của ILO yêu cầu các quốc gia phê chuẩn phải thiết lập cơ chế để thu thập dữ liệu ATVSLĐ tin cậy và ILO cũng đã phát triển những công cụ để hỗ trợ công tác này.

Góp phần thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững số 8

Chương trình Nghị sự 2030 vì sự Phát triển Bền vững kêu gọi các quốc gia thu thập, sử dụng và báo cáo dữ liệu ATVSLÐ như một phương tiện để đo lường tiến bộ trong việc bảo vệ quyền lao động và thúc đẩy môi trường làm việc an toàn và an ninh cho tất cả người lao động.

Các quốc gia phải chịu trách nhiệm chính trong theo dõi và đánh giá tiến bộ đạt được trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG), điều này yêu cầu phải thu thập dữ liệu có chất lượng và dễ tiếp cận. Theo dõi và đánh giá cấp khu vực sẽ dựa trên các phân tích cấp quốc gia và sẽ góp phần vào công tác theo dõi đánh giá cấp độ toàn cầu.

ILO đã và đang nỗ lực thúc đẩy văn hoá phòng ngừa đối với AT&SKNN để bảo vệ sức khoẻ và tính mạng của người lao động. Mục tiêu này có thể đạt được nếu có cam kết của chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động, cùng với dữ liệu chính xác, có thể so sánh và kịp thời.

Nhấn vào đây để biết thêm thông tin về Ngày Thế giới vì AT&SKNN tại nơi làm việc