Du lịch cộng đồng tạo nguồn thu nhập cho người dân tộc thiểu số Quảng Nam

Hai làng người dân tộc Cơ Tu tại miền núi phía tây Quảng Nam sáng 23/6 khai trương các dịch vụ du lịch cộng đồng với sự giúp đỡ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Tin | Ngày 23 tháng 6 năm 2013
QUẢNG NAM – Hai làng người dân tộc Cơ Tu tại miền núi phía tây Quảng Nam sáng 23/6 khai trương các dịch vụ du lịch cộng đồng với sự giúp đỡ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Khách du lịch đến với hai làng Bhờ Hôồng và Đhrôồng (thuộc huyện Đông Giang) giờ đây có thể ở lại qua đêm tại bản làng với các hoạt động như homestay, lưu trú tại nhà cộng đồng của làng, hướng dẫn viên du lịch người địa phương, phục vụ đồ ăn, dệt thổ cẩm, mây tre đan, các tour đi bộ trong rừng, thăm suối nước nóng, biểu diễn nghệ thuật truyền thống,…

Theo ông Hồ Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam, đây là những sản phẩm du lịch mới thu hút khách đến với làng, góp phần tăng doanh thu cho du lịch và tạo điều kiện để người dân tăng thu nhập và nâng cao trình độ.

“Ở đây thật tuyệt vời và đặc biệt. Con người, khung cảnh và văn hóa rất khác với những vùng miền khác ở Việt Nam,” anh Glenn Phillips, người Australia – một trong những du khách đến ở homestay đầu tiên tại làng Bhờ Hôồng chia xẻ. “Làng này gần với Hội An, Đà Nẵng và đường mòn Hồ Chí Minh, tôi không phải mất nhiều thời gian để di chuyển giữa các điểm du lịch.”

Hoạt động khai trương hai làng du lịch cộng đồng là một phần của dự án “Tăng cường du lịch tại các huyện sâu trong đất liền ở tỉnh Quảng Nam” do ILO phối hợp thực hiện với tỉnh trong hai năm qua.


Người dân tộc Cơ Tu biểu diễn điệu múa truyền thống tại lễ khai trương làng du lịch cộng đồng Bhờ Hôồng, tây Quảng Nam, sáng 23/6. © ILO

Dự án sử dụng những bộ công cụ đào tạo của ILO giúp người dân hiểu cách làm du lịch bền vững và tự kinh doanh để tạo việc làm cho chính mình và có nguồn thu nhập bổ sung cho gia đình.

“Du lịch là một trong những ngành nghề tạo ra nhiều việc làm nhất và có thể là một công cụ giảm nghèo hữu hiệu, nhất là khi các hoạt động này được xây dựng dựa vào chính cộng đồng,” ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc ILO Việt Nam cho biết.

Một người dân làng Bhờ Hôồng, anh Bnuoch Ba, 32 tuổi, vui mừng chào đón những người khách đầu tiên tại căn nhà của mình.

Anh chia xẻ: “Tôi mong sẽ có nhiều khách. Tôi thì có việc tại xã nhưng gia đình tôi hiện giờ nhìn chung công việc khá rảnh rỗi, nên hy vọng hoạt động này sẽ mang lại thêm thu nhập.”

Theo ông Cường, sự giúp đỡ của ILO “tạo tiền đề để du lịch miền núi phát triển trong tương lai”.

Giám đốc ILO Việt Nam, ông Sziraczki kỳ vọng mô hình phát triển du lịch cộng đồng sẽ không chỉ dừng lại ở hai ngôi làng xinh đẹp với khoảng 160 hộ dân này mà sẽ sớm “trở thành một tấm gương để cà địa phương khác trên cả nước học tập”.