Khai trương làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn

Sáng nay, làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức lễ khai trương chính thức đón khách du lịch. Đây là một hoạt động của Dự án Tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền ở tỉnh Quảng Nam do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và tỉnh Quảng Nam phối hợp thực hiện, góp phần thúc đẩy phát triển ngành du lịch định hướng giảm nghèo tại Việt Nam.

Tin | Ngày 14 tháng 3 năm 2013
MỸ SƠN, QUẢNG NAM- Sáng nay, làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức lễ khai trương chính thức đón khách du lịch. Đây là một hoạt động của Dự án Tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền ở tỉnh Quảng Nam do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và tỉnh Quảng Nam phối hợp thực hiện, góp phần thúc đẩy phát triển ngành du lịch định hướng giảm nghèo tại Việt Nam.

Đây là một hoạt động của Dự án Tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền ở tỉnh Quảng Nam do Chính phủ Luxembourg tài trợ và được ILO cùng tỉnh Quảng Nam phối hợp thực hiện, góp phần thúc đẩy phát triển ngành du lịch định hướng giảm nghèo tại Việt Nam.

Nói đến Mỹ Sơn, người ta thường chỉ nghĩ đến Khu di tích Mỹ Sơn đã được xếp hạng di sản văn hoá thế giới. Khu di tích Mỹ Sơn, cùng với Phố cổ Hội An và dải bờ biển cát trắng 125km của tỉnh Quảng Nam đã và đang thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước mỗi năm, đem lại tăng trưởng đáng kể cho ngành du lịch tỉnh. Tuy nhiên, vì hầu hết khách du lịch chỉ đi thăm khu di tích Mỹ Sơn trong ngày nên người dân sinh sống quanh khu vực này gần như chưa được hưởng lợi nhiều từ ngành du lịch.

Mô hình làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn được đầu tư thành điểm tham quan du lịch sâu trong đất liền nhằm tận dụng lợi thế du lịch của địa phương, tạo thu nhập và việc làm cho người dân. Làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn sẽ cung cấp dịch vụ homestay - lưu trú tại nhà dân, dịch vụ ẩm thực, hướng dẫn du lịch địa phương và các hoạt động du lịch bền vững, ít tác động tiêu cực tới môi trường như leo núi, chèo thuyền xung quanh khu vực hồ Thạch Bàn, rất gần với di sản văn hóa Mỹ Sơn.

Đây cũng chính là chủ trương chung của tỉnh nhằm phát huy tiềm năng du lịch không chỉ cho Mỹ Sơn của huyện Duy Xuyên mà cả các huyện sâu trong đất liền. Ông Trần Minh Cả, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam: “Tỉnh Quảng Nam đã đặt mục tiêu phát huy các tiềm năng du lịch để đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh, xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm ở các vùng sâu còn khó khăn của tỉnh.”

Ngoài mô hình du lịch cộng đồng Mỹ Sơn, dự án còn hỗ trợ hai điểm du lịch cộng đồng khác tại làng Bhohoong và Dhroong của người Catu ở huyện Đông Giang, sẽ được chính thức khai trương vào tháng 6 tới.

Các mô hình này đều áp dụng thử nghiệm hợp tác công - tư, với sự liên kết giữa chính quyền, cộng đồng và một công ty du lịch lữ hành địa phương. Mô hình này đáp ứng mục đích xây dựng một phương thức tiếp cận bền vững có khả năng nhân rộng cao, góp phần thúc đẩy phát triển ngành du lịch định hướng giảm nghèo tại Việt Nam. Sau khi được triển khai thử nghiệm tại tỉnh Quảng Nam, phương thức này sẽ được Dự án chia sẻ kinh nghiệm và khuyến khích các cộng đồng khác cùng nhân rộng mô hình trên cả nước.

“Du lịch, nếu được phát triển thích hợp, có thể tác động tích cực đến nhóm người nghèo, yếu thế, và trở thành một công cụ hữu hiệu giảm nghèo và bất bình đẳng,” ông Marc Franck, Đại biện lâm thời Luxembourg tại Việt Nam, cho biết. “Chúng tôi muốn chứng minh được rằng có thể phát triển du lịch theo một cách tốt hơn với sự hợp tác của cộng đồng bản địa – những người cho đến nay chưa được hưởng lợi từ ngành công nghiệp đang phát triển nhanh chóng này.”

Thông qua dự án trị giá 1.3 triệu USD, Chính phủ Luxembourg, cùng với ILO, hy vọng đưa ra những cách làm hiệu quả nhất, có thể áp dụng ở các địa phương khác ngoài tỉnh Quảng Nam và thậm chỉ cả các nước khác, như Lào – nơi hợp tác phát triển của Luxembourg khá mạnh mẽ.