Giám đốc ILO Việt Nam: Tăng cường đối thoại hướng tới văn hóa an toàn và sức khỏe nghề nghiệp

Bà Ingrid Christensen, Giám đốc ILO Việt Nam, phát biểu tại Chương trình Đối thoại Hội đồng Quốc gia về An toàn, vệ sinh lao động được tổ chức tại Hà Nội nhân Ngày Thế giới về An toàn và Sức khỏe tại nơi làm việc năm 2022.

Bài phát biểu | Ngày 28 tháng 4 năm 2022
Bà Ingrid Christensen, Giám đốc ILO Việt Nam, phát biểu tại Chương trình Đối thoại Hội đồng Quốc gia về An toàn, vệ sinh lao động.
Ngày hôm nay chúng ta cùng nhau kỷ niệm Ngày Thế giới về An toàn và Sức khỏe tại nơi làm việc, ngày 28 tháng 04, một ngày mà toàn thế giới cùng nhau thúc đẩy và nêu bật tầm quan trọng của an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc. Đây còn là Ngày lễ tưởng niệm của người lao động, ngày mà người lao động tưởng nhớ đến những đồng nghiệp của họ đã ra đi vì những tai nạn và bệnh nghề nghiệp trong năm. Đáng tiếc là tai nạn và bệnh nghề nghiệp vẫn hiện hữu ngay trong thời kỳ hiện đại năm 2022 này. Trên thực tế, xấp xỉ 3 triệu người đã mất hàng năm do tai nạn nghề nghiệp tại nơi làm việc hoặc do các bệnh liên quan đến nghề nghiệp, thậm chí là do sự phơi nhiễm từ nhiều năm trước đó. Ngoài ra, hàng trăm triệu người đổ bệnh do làm việc hay do các chấn thương nghề nghiệp. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều các tiến bộ cũng như thành tựu đạt được trong những thập kỷ gần đây, ngay tại Việt Nam ta – điều này khiến tôi liên tưởng ngay tới Luật An toàn Vệ sinh Lao động (ATVSLĐ) được thông qua năm 2015 – song vẫn còn rất nhiều tai nạn và bệnh tật hiện hữu. Chúng ta cần nỗ lực hơn nữa.

Tôi muốn gửi lời chúc mừng tới Hội đồng quốc gia về ATVSLĐ đã sáng kiến tổ chức một loạt các hoạt động nhân Ngày Thế giới về An toàn và Sức khỏe tại nơi làm việc, và sau đó là tháng hành động về An toàn và Sức khỏe tại Việt Nam. Chân thành cảm ơn Hội đồng về những chỉ dẫn và chính sách về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp. Nhân dịp này, tôi cũng muốn chúc mừng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các đối tác xã hội, VCCI, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam về sự lãnh đạo tài tình trong một thời gian dài nỗ lực cải thiện vấn đề an toàn và sức khỏe ở Việt Nam.

Hằng năm, Ngày thế giới về An toàn và Sức khỏe luôn được kỷ niệm với một chủ đề cụ thể, và năm nay Ngày này tập trung vào vấn đề nâng tầm đối thoại xã hội hướng về văn hóa an toàn và sức khỏe.

Đối thoại xã hội đề cập đến tất cả các loại hình thương lượng, tham vấn, và trao đổi thông tin giữa đại diện người lao động, giới chủ và chính phủ cũng như các chủ thể liên quan về các vấn đề quan ngại chung. Đây chính là những cách thức hiệu quả nhất để dung hòa các lợi ích đối lập, thiết kế và triển khai chính sách hay pháp luật, hoặc xây dựng sự thông hiểu lẫn nhau. Đối thoại xã hội từ lâu đã là một công cụ rất đắc lực và được ghi nhận rõ ràng trong lĩnh vực an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc, và theo như nguyên tắc được chiếu trong Tiêu chuẩn Lao động Quốc tế về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, bao gồm hai Công ước quan trọng số 155 (Công ước An toàn và Sức khỏe) và số 187 (Công ước về Khung chính sách thúc đẩy an toàn vệ sinh lao động), và hai công ước này Việt Nam đều đã phê chuẩn. Đối thoại xã hội có thể diễn ra dưới những hình thức khác nhau. Có thể là song phương, ví dụ tại nơi làm việc, cũng có thể là ba bên hoặc ba bên ++, ví dụ như trong các buổi tham vấn cấp quốc gia. Có thể dưới hình thức chính thức hay được thiết chế hóa ví dụ như tổ chức một cuộc họp ủy ban an toàn và sức khỏe hay khi Hội đồng ATVSLĐ quốc gia họp; tuy nhiên đối thoại xã hội có thể diễn ra khi người sử dụng lao động và người lao động của họ tại một trong các nhà hàng nhỏ nổi tiếng ở Việt Nam nói chuyện với nhau về cách tổ chức công việc hiệu quả nhất, bao gồm cả việc tránh hít phải khói thải ra khi dùng chảo rán hay có lẽ gần đây, là việc sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân nào để bảo vệ họ khỏi nhiễm COVID-19 ra sao.

Tầm quan trọng của đối thoại xã hội trong việc giải quyết vấn đề về an toàn và sức khỏe đã được ghi nhận trong đại dịch COVID-19, nhưng cũng quan trọng không kém với nhiều lĩnh vực khác ở tuyến đầu chống dịch, bao gồm các biện pháp ứng phó liên quan đến việc làm hay bảo đảm thu nhập, hoạt động doanh nghiệp không bị ngưng trệ, làm việc từ xa, hay an sinh xã hội, vv.

Ngay từ lúc đại dịch COVID-19 bùng phát, người lao động, người sử dụng lao động và chính phủ ở các quốc gia đã hợp tác cùng nhau để xây dựng các chính sách và chiến lược tại nơi làm việc để bảo vệ người lao động khỏi virus và các rủi ro liên quan. Năm nay, điểm nhấn của Ngày Thế giới về An toàn và Sức khỏe tại nơi làm việc chính là tầm quan trọng của đối thoại xã hội trong việc thúc đẩy văn hóa tích cực về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp.

Bản báo cáo mà ILO vừa công bố nhân dịp ngày lễ này, hiện có trên trang web của ILO, cho thấy rằng khi người lao động, người sử dụng lao động và chính phủ hợp tác với nhau, họ sẽ cùng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong việc triển khai chính sách và cách thức can thiệp để hỗ trợ bảo việc người lao động và doanh nghiệp đi qua cuộc khủng hoảng.

Chúng ta thường nghe đến văn hóa phòng ngừa an toàn và sức khỏe, một văn hóa mà ở đó quyền được hưởng môi trường làm việc an toàn và mạnh khỏe; nơi người sử dụng lao động, người lao động và chính phủ cùng hợp tác với nhau để đảm bảo một môi trường làm việc an toàn và mạnh khỏe, và nơi mà nguyên tắc về phòng ngừa được coi trọng bậc nhất. Tuy nhiên, làm thế nào để chúng ta có thể xây dựng nên một văn hóa phòng ngừa tích cực về an toàn và sức khỏe, ví dụ, tại nơi làm việc? Ngoài những gì tôi vừa chia sẻ ở trên, văn hóa an toàn và sức khỏe tích cực được xây dựng trên cơ sở trao đổi và đối thoại mở giữa người sử dụng lao động và người lao động. Người lao động nên cảm thấy thoải mái chia sẻ những băn khoăn của họ về những mối nguy hiểm hay rủi ro tiềm tàng tại nơi làm việc và quản lý phải chủ động giải quyết các vấn đề đó. Một đối thoại mở và tôn trọng lẫn nhau là điều kiện tiên quyết cho những đối thoại hiệu quả ở cả cấp quốc gia và toàn cầu.

Trong suốt cuộc khủng hoảng đại dịch, một vài ví dụ điển hình đã xuất hiện. Như chia sẻ trong báo cáo trên, chẳng hạn ở Canada, đại diện người sử dụng lao động và người lao động đã làm việc cùng nhau để xây dựng những kế hoạch đối phó với COVID-19, bao gồm cả quy trình sàng lọc hay truy vết. Ở Nam Phi, các thảo luận giữa đại diện người sử dụng lao động, người lao động và chính phủ đưa ra các biện pháp đối phó để giảm thiểu mức độ lây lan của virus tại nơi làm việc. Ở Ý, các đối tác xã hội trong lĩnh vực ngân hàng thiết kế các quy định chi tiết về làm việc từ xa, bao gồm quyền riêng tư, hay quyền được ngắt kết nối. Và chúng ta không cần phải đi đâu xa. Ở Pakistan, Chính phủ sau khi tham vấn cùng tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động đã ban hành một số các thủ tục hoạt động tiêu chuẩn (SOP) để ngăn chặn sự lây lan của virus, đồng thời giúp doanh nghiệp duy trì hầu hết hoạt động; và nhiều người lao động vẫn có thể có việc làm và thu nhập. Điểm cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, tôi biết rằng những nỗ lực vẫn đang tiếp diễn, ví dụ như Chương trình Better Work của ILO giúp đảm bảo tính liên tục của hoạt động doanh nghiệp và vấn đề an toàn và sức khỏe cho người lao động trong các ngành may mặc và giày dép trong suốt đại dịch và trong thời kỳ phục hồi.

Ngành điện tử ở Việt Nam, một ví dụ khác về một ngành chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, và Chính phủ phối hợp và đối thoại với các bên liên quan thiết kế các biện pháp để kiểm soát sự lây lan của virus trong các nhà máy. ILO cũng hỗ trợ các sáng kiến tạo điều kiện cho đối thoại xã hội trong quá trình phục hồi chuỗi cung ứng quan trọng này.

Vậy điều khác biệt gì chúng ta có được khi người lao động thúc đẩy ATVSLĐ? Khi người lao động tham gia thúc đẩy an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc, các nghiên cứu chỉ ra rằng điều đó sẽ giúp giảm rủi ro tai nạn. Như báo cáo viện dẫn, người ta thấy rằng những nơi làm việc có tỷ lệ tham gia của người lao động cao thì tỷ lệ tai nạn giảm 64% và tỷ lệ phải nhập viện giảm 58%. Các chấn thương hay bệnh tật do lao động cần phải được ngăn chặn. Xây dựng một văn hóa ngăn ngừa thông qua đối thoại xã hội sẽ đóng góp và lực lượng lao động mạnh khỏe, doanh nghiệp năng suất và nền kinh tế bền vững.

Phương pháp WIND để giải quyết vấn đề an toàn và sức khỏe nghề nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, hay phi chính thức, và bắt nguồn từ Việt Nam, và hiện nay được áp dụng ở một số quốc gia, là một ví dụ về hướng tiếp cận được xây dựng chính trên cơ sở đối thoại xã hội tại cộng đồng và trong kinh tế phi chính thức. Hiện tại, chúng tôi cũng đang cộng tác với các đối tác để điều chính áp dụng phương pháp này vào lĩnh vực cà phê.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng cả nam giới và nữ giới nên có sự tiếp cận tới hoặc là một phần của các diễn đàn đối thoại xã hội. Việc khuyến khích sự tham gia của phụ nữ là điểm nhấn của phương pháp tiếp cận WIND này.

Nhưng đối thoại xã hội, với sự tham gia tích cực của các tổ chức đại diện của người lao động và người sử dụng lao động, bên cạnh Chính phủ, còn có thể mang lại hiệu quả giúp phát hiện ra bản chất và mức độ thách thức của vấn đề an toàn và sức khỏe trong nền kinh tế phi chính thức, cũng như sau đó là việc thiết kế, triển khai và đánh giá các chính sách và chương trình tương thích cho người lao động trong kinh tế phi chính thức.

Một lần nữa, cho phép tôi được gửi lời chúc mừng tới Hội đồng quốc gia về ATLVSLĐ đã có sáng kiến tổ chức hội thảo này. Kính chúc hội thảo thành công tốt đẹp!