Bài phát biểu

Phát triển bền vững không phải là sự lựa chọn, mà là con đường duy nhất

Giám đốc ILO Việt Nam, Chang-Hee Lee, phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Hợp tác xã được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 7/7/2018.

Bài phát biểu | Ngày 06 tháng 7 năm 2018
Kính thưa

Ông Hồ A Lềnh, Ủy viên TW Đảng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam,

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.


Hôm nay Tổ chức ILO rất vui mừng được cùng với cộng đồng quốc tế và Việt Nam kỷ niệm Ngày Quốc tế Hợp tác xã. Chủ đề năm nay, tiêu dùng và sản xuất hàng hóa và dịch vụ bền vững, thực sự rất đúng thời điểm, khi mà tất cả cộng đồng phát triển, bao gồm tổ chức ILO, đang cùng nỗ lực để đạt được những mục tiêu phát triển bền vững đặt ra trong Chương trình 2030.

Hợp tác xã đã có hai thế kỷ kinh nghiệm xây dựng xã hội bền vững và bền bỉ. Hợp tác xã nông nghiệp hoạt động để duy trì lịch sử lâu đời của đất đai nơi họ cấy trồng bằng những thực tiễn canh tác bền vững. Hợp tác xã người tiêu dùng thì hỗ trợ đầu ra sản phẩm bền vững và hướng người tiêu dùng đến thái độ tiêu dùng có trách nhiệm. Hợp tác xã nhà cửa giúp đảm bảo nơi ăn chốn ở an toàn. Hợp tác xã dịch vụ lại tham gia vào quá trình chuyển đổi giúp nông nghiệp được tiếp cận nguồn điện cũng như nguồn năng lượng khác và nước sạch hơn. Hợp tác xã công nhân và dịch vụ xã hội có mục tiêu cung cấp hàng hóa và dịch vụ một cách hiệu quả và thân thiện với môi trường đồng thời tạo việc làm bền vững và lâu dài.

Hiện tại cứ sáu người thì lại có một người tham gia hợp tác xã. Liên minh Hợp tác xã quốc tế cho đến nay đã có 1,2 tỷ thành viên với hơn 3 triệu hợp tác xã toàn cầu. Các hợp tác xã tuyển dụng, trực tiếp hoặc gián tiếp, 280 triệu người, gần 10% tổng số lao động làm thuê trên toàn thế giới. Điều này cho thấy sự đóng góp của hợp tác xã đến việc làm bền lâu, kinh tế bền vững và phúc lợi của người lao động tại nơi làm việc. Như vậy cũng có nghĩa là, cùng với khu vực công và khu vực tư, hợp tác xã được xem là trụ cột của xã hội và nền kinh tế, đóng góp vào nền kinh tế thống nhất như cách nói của nhiều nước.

Chúng ta tin tưởng vào năng lực của phong trào hợp tác xã trong việc thúc đẩy những thực tiễn sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm, nâng cao nền kinh tế tuần hoàn và xanh, và đẩy mạnh việc làm bền vững,"

Lịch sử hợp tác xã hiện đại ở Việt Nam phản chiếu lịch sử của đất nước các bạn. Phong trào hợp tác xã nông được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động bằng việc kêu gọi nông dân tham gia mô hình hợp tác xã nông nghiệp trong năm 1946 . Kể từ khi thành lập Liên minh Hợp tác xã Việt Nam năm 1961, phong trào hợp tác xã ở Việt Nam đã trải qua nhiều thách thức và cơ hội cũng như chính đất nước các bạn trải qua. Cùng với phong trào Đổi Mới cách đây 30 năm, hợp tác xã bắt đầu tìm được chỗ đứng phù hợp hơn trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà qua đó nhiều hình thái nền kinh tế và doanh nghiệp khác nhau được thừa nhận đúng đắn trong hệ thống kinh tế và xã hội của đất nước. Luật Hợp tác xã năm 2012 đã tạo khung khổ pháp lý cho sự phát triển lớn mạnh hơn của hợp tác xã cũng như cho sự đóng góp của hợp tác xã cho kinh tế và xã hội. Tất nhiên, cũng giống như trong các lĩnh vực khác, việc thực thi vẫn còn là một thách thức lớn. Do đó, thật là khích lệ khi vào ngày 22 tháng 5 năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra chỉ thị phải nâng cao tính thực thi của luật năm 2012 và kêu gọi các bộ ban ngành liên quan, các tổ chức chính trị xã hội và LMHTX thúc đẩy nhanh việc thực hiện các chương trình hành động về hợp tác xã.

Ở Việt Nam, các hợp tác xã hiện đại dựa trên những giá trị về tự lực, tự chịu trách nhiệm, dân chủ, công bằng, bình đẳng và đoàn kết; cũng như những giá trị đạo đức trung thực, cởi mở, trách nhiệm xã hội và quan tâm đến người khác. Với nền tảng đó, hợp tác xã không chỉ đem lại những đóng góp vô cùng giá trị cho sự phát triển về kinh tế và xã hội cho đất nước, mà còn giúp hàng triệu người dân cải thiện đời sống và phát triển kinh tế địa phương. Gần đây tôi tình cờ đọc được một câu chuyện trên báo điện tử về Ông Nga, một người làm nông công xã nghèo ở tỉnh Trà Vinh, người đã thành lập thành công Hợp tác xã Thành Công năm 2014 sau nhiều năm thử nghiệm và thất bại trong việc sản xuất các sản phẩm ớt. Hiện nay hợp tác xã của ông đã phát triển chuỗi cung ứng rất có hệ thống, từ khâu sản xuất đến khâu marketing, vừa cải thiện sinh kế cho người lao động của hợp tác xã cho toàn xã, tạo hàng trăm việc làm trực tiếp vừa đóng góp vào sự phát triển của kinh tế địa phương. Thật may là không khó để tìm thấy những câu chuyện thành công như thế ở Việt Nam ngày nay. Từ khi tôi đến Việt Nam cách đây ba năm, tôi đã có nhiều cơ hội để đến rất nhiều nơi trên đất nước các bạn và hầu hết những nơi tôi đến, đều có những câu chuyện truyền cảm hứng về vai trò vô cùng quan trọng của hợp tác xã trong phát triển bền vững.

Sự phát triển bền vững không còn là một lựa chọn – mà đó là cách duy nhất mà dân số toàn cầu có thể tiếp tục tận hưởng cuộc sống của họ trên trái đất này nơi đang phải đối mặt với những thách thức về xã hội và môi trường gây ra bởi sự phát triển nhanh chóng và không được kiểm soát. Đó cũng là lý do tại sao ngày nay các doanh nghiệp đang tìm cách thức để cải thiện ảnh hưởng về môi trường và xã hội của họ xuyên suốt chuỗi cung ứng mà họ hoạt động. Như là một công cụ để tạo thu nhập, tạo việc làm, nâng cao quá trình hợp thức hóa nền kinh tế phi chính thức và thúc đẩy các cơ hội việc làm tốt hơn trong các nền kinh tế nông thôn, các doanh nghiệp hợp tác xã ý thức rõ ràng về việc tìm những giải pháp sáng tạo và bền vững để đem lại lợi ích cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Hợp tác xã của cả hai đầu chuỗi cung ứng đã và đang chung sức để làm co lại chuỗi giá trị, cải thiện nguồn gốc sản phẩm và áp dụng những thực tiễn thân thiện môi trường. Tôi có thể nêu ra đây một vài ví dụ. Cà phê của những hợp tác xã của các nhà sản xuất Kenya bằng nỗ lực của mình đã có mặt trên kệ hàng của chuỗi siêu thị nổi tiếng của Đan Mạch. Dứa sinh học của một hợp tác xã thanh niên ở Togo đã được bán trong hợp tác xã bán lẻ trên khắp nước Ý, với sự hỗ trợ liên kết thị trường trực tiếp và tài chính từ phong trào hợp tác xã của Ý. Thương mại kiểu hợp tác xã đến hợp tác xã như vậy giúp giảm chi phí thương mại, giá cả công bằng hơn và thu nhập cao hơn cho các thành viên của họ. Ở Đông Á và Bắc Mỹ, hợp tác xã người tiêu dùng đã phát triển các sản phẩm hữu cơ và thân thiện với môi trường và thông tin tới các thành viên của họ về điều kiện làm việc của các nhà sản xuất và người lao động, cũng như về việc giảm sự lãng phí thực phẩm và việc sử dụng nhựa.

Trên thế giới, hợp tác xã không chỉ nổi bật bởi các chuỗi sản xuất thực phẩm, mà còn cả ngành may mặc sẵn. Điều này thể hiện từ hàng sợi bông, sản xuất, thương mại hóa, đến tiêu dùng và tái chế vải. Ở Ấn Độ, hơn 15,000 nông dân trồng bông hữu cơ được sắp xếp vào các hợp tác xã mà ở đó họ đào tạo các thành viên của mình những thực tiễn sản xuất thân thiện với môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và quản lý các đường phân nước ra sông/biển và thúc đẩy quyền sở hữu máy móc tập thể. Các hợp tác xã này kết nối tiếp các thành viên của mình tới các nhãn hàng dệt may đúng quy cách trong liên kết chuỗi cung ứng quốc tế mà thúc đẩy sản xuất may mặc bền vững từ lúc gieo hạt bông đến lúc thành vải. Những lao động tại gia trong ngành dệt may và may mặc, tự làm hoặc với tư cách là thầu phụ, đã và đang thành lập các hợp tác xã trên khắp Đông Nam và Nam Chấu Á để hưởng lợi từ lợi thế kinh tế nhờ quy mô trong việc mua đầu vào rẻ, chia sẻ thiết bị, và giảm chi phí thông qua góp chung nguồn lực, bán chung các sản phẩm, tiếp cận tài chính, và thỏa thuận mức giá theo sản phẩm tốt hơn.

Tổ chức ILO cũng có các dự án hỗ trợ đối tác trực tiếp tại địa bàn để tiến tới việc sản xuất và tiêu dùng bền vững thông qua hợp tác xã. Ở Việt Nam, tổ chức ILO đã hỗ trợ việc xây dựng giáo trình cho phù hợp với Việt Nam bốn học phần đào tạo của chương trình My Coop về hợp tác xã nông nghiệp và sau đó chuyển các học phần này cho một tổ chức phi chính phủ của Hà Lan (tổ chức Agriterra) để thông qua đó tổ chức các khóa đào tạo cho các hợp tác xã nông nghiệp trên toàn Việt Nam. Ngoài ra, tổ chức ILO cũng đã hỗ trợ kỹ thuật cho LMHTX thực hiện đánh giá về việc xác định lương tối thiểu vùng cho hợp tác xã năm 2017. Sáng kiến dự án về hợp tác xã trong thời đại số đang được bàn thảo và lên kế hoạch cùng với LMHTX để gia hạn dự án tiềm năng nói trên liên quan đến các học phần của chương trình My COOP.

Khuyến nghị nhằm xúc tiến các hợp tác xã năm 2002 của ILO (Số 193) cung cấp khung khổ quốc tế cho phát triển hợp tác xã trên cơ sở phối hợp với Chính phủ, các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động. Hợp tác xã là các hiệp hội độc lập gồm những cá nhân tụ họp lại với nhau trên cơ sở tự nguyện trên cơ sở những nhu cầu và mong muốn về văn hóa, xã hội và kinh tế chung thông qua các doanh nghiệp tự chủ hoặc đồng sở hữu. Như tôi có nhắc tới lúc trước, phong trào hợp tác xã dựa trên những giá trị đặc biệt về tự lực, tự chịu trách nhiệm, dân chủ, công bằng, bình đẳng và đoàn kết; cũng như những giá trị đạo đức trung thực, cởi mở, trách nhiệm xã hội và quan tâm lẫn nhau. Đó là một trụ cột quan trọng của xã hội và nền kinh tế ngày nay. Đó là lý do tại sao chúng ta tin tưởng vào năng lực của phong trào hợp tác xã trong việc thúc đẩy những thực tiễn sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm, nâng cao nền kinh tế tuần hoàn và xanh, và đẩy mạnh việc làm bền vững trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Như các quý vị có thể đã biết, tổ chức ILO sẽ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập vào năm 2019. Tổ chức ILO ra đời sớm hơn hầu hết các tổ chức của Liên Hợp Quốc khác, bao gồm bản thân Liên Hợp Quốc. Và tổ chức ILO có một cơ chế quản trị ba bên đặc biệt, nơi mà đại diện của chính phủ ngồi cùng với đại diện của các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động. Kể từ khi Việt Nam gia nhập lại tổ chức ILO vào năm 1992, LMHTX, cùng với VCCI, đã đại diện cho người sử dụng lao động và các doanh nghiệp của Việt Nam. Chúng tôi đang nỗ lực để tiến tới lễ kỷ niệm 100 năm của ILO, chúng tôi rất mong chúng ta cùng nâng cao quan hệ đối tác cùng với phong trào hợp tác xã để giúp Việt Nam vượt qua những thách thức về kinh tế, nhân khẩu học, công nghệ và môi trường trong một thế giới việc làm đầy biến động.

Một lần nữa, xin được gửi lời chúc mừng đến Ngày Hợp tác xã quốc tế! Và chắc chắn quý vị sẽ được mời đến lễ kỷ niệm 100 năm của tổ chức ILO năm sau với tư cách là khách danh dự.

Xin Chúc mừng và Cảm Ơn.