Bài phát biểu

Tăng cường huấn luyện sẽ giúp phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp

Phát biểu khai mạc của Tiến sĩ Chang-Hee Lee, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam tại Lễ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động ngày 18 tháng 5 năm 2017 tại Hà Nội

Bài phát biểu | Ngày 18 tháng 5 năm 2017
Thưa quý vị đại biểu,


Hôm nay, tôi rất vinh dự được tham dự Lễ phát động Tháng Hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) lần thứ nhất. Thay mặt cho Tổ chức Lao động Quốc tế ILO, tôi xin gửi lời chúc mừng tới Chính phủ Việt Nam vì những nỗ lực trong thời gian vừa qua, Từ việc tổ chức các Tuần lễ quốc gia về (ATVSLĐ) và phòng chống cháy nổ tới buổi lễ phát động tháng Hành động về ATVSLĐ hôm nay.

Với tư cách đại diện cho Tổ chức Lao động Quốc tế ILO, tôi xin nhấn mạnh rằng an toàn và sức khỏe nghề nghiệp (AT&SKNN) là một vấn đề vô cùng quan trọng.

Tổ chức Lao động Quốc tế là cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc trong các vấn đề lao động và việc làm. Trong gần 100 năm qua, chúng tôi đã nỗ lực kết nối các chính phủ, đại diện người sử dụng lao động và đại diện người lao động tại 187 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, nhằm thúc đẩy các cơ hội việc làm bền vững, tăng cường bảo trợ xã hội và đối thoại về các vấn đề việc làm, bao gồm cả chủ đề an toàn và sức khỏe nghề nghiệp.

Thưa các quý vị,

Theo ước tính mới nhất của ILO, hàng năm trên thế giới có khoảng 2,3 triệu người do tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Số vụ tai nạn lao động chết người ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng chiếm tới 70% tổng số trên toàn cầu. Không phải ở đâu xa xôi, những mối nguy hiểm này ở ngay xung quanh chúng ta. Mỗi ngày, trên đường đi làm tôi đều đi qua một công trường xây dựng lớn. Ở đó, nhiều công nhân đang mạo hiểm tính mạng khi làm việc mà không sử dụng các phương tiện bảo hộ cá nhân đầy đủ. Tôi tin rằng các quý vị ở đây cũng đều đã từng nhiều lần chứng kiến điều đó khi ngành xây dựng là ngành có nhiều tai nạn lao động chết người nhất tại Việt Nam.

Đối với người lao động và gia đình của họ, những tổn thất mà tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp gây ra nằm ngoài sức tưởng tượng của bất cứ ai. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần nhớ rằng tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cũng tác động không nhỏ đến công việc kinh doanh và uy tín của người sử dụng lao động. Đó là chưa kể tới sức khỏe và sự ổn định của người dân.

Tuy nhiên, xin quý vị nhớ rằng chúng ta có thể phòng tránh được hầu hết những mất mát này. Nếu doanh nghiệp xây dựng kia quan tâm thêm đến hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, nếu các công nhân đều tuân thủ hướng dẫn an toàn, công trình xây dựng đó sẽ an toàn hơn rất nhiều.

Để làm được điều đó, cả người lao động và người sử dụng lao động đều cần nhận thức rõ hơn về những rủi ro cũng như làm thế nào để giảm thiểu rủi ro thông qua công tác đào tạo, huấn luyện.

Với chủ đề “Thúc đẩy công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động để phòng ngừa các tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp”, tháng hành động năm nay nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác huấn luyện và đào tạo vốn đã được thể hiện rõ trong Luật ATVSLĐ của Việt Nam. Huấn luyện và đào tạo là cách thức hiệu quả giúp người lao động biết tới và học được những kỹ năng, kiến thức giúp họ thay đổi hành vi vì một môi trường làm việc an toàn hơn. Việc đầu tư vào công tác huấn luyện không chỉ giúp thúc đẩy văn hóa an toàn và giảm thiểu các rủi ro tai nạn, mà còn góp phần gia tăng năng suất lao động.

Như Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã khẳng định, phòng ngừa là nguyên tắc cơ bản của chúng ta. Và chúng ta có thể cùng nhau nâng cao kiến thức, kỹ năng và nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động cũng như toàn xã hội, hướng tới tầm nhìn không có tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

ILO đánh giá cao những nỗ lực và tiến bộ mà Chính phủ Việt Nam đã đạt được với việc thông qua và thực hiện Luật ATVSLĐ. Đây là cột mốc đánh dấu nỗ lực mở rộng phạm vi bảo vệ tới cả khu vực kinh tế phi chính thức.

Hàng ngàn khóa tập huấn chuyên môn về an toàn được triển khai mỗi năm đã giúp môi trường làm việc tại Việt Nam trở nên an toàn và đảm bảo sức khỏe hơn. Việt Nam cũng là nước thành viên duy nhất tại khu vực Đông Nam Á đã phê chuẩn cả hai Công ước ILO về AT&SKNN và Khung chính sách thúc đẩy AT&SKNN. Đây là hai bộ tiêu chuẩn lao động quốc tế quan trọng nhất trong lĩnh vực này.

Thưa quý vị,

Chúng tôi rất hân hạnh được cùng hợp tác với Chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động tại Việt Nam để thúc đẩy môi trường làm việc an toàn và đảm bảo sức khỏe hơn, từ việc cùng xây dựng hồ sơ quốc gia, tới những bộ tài liệu đào tạo cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; từ các chiến dịch thanh tra tới khảo sát về hành vi AT&SKNN của lao động trẻ. Chúng tôi đã và đang thúc đẩy những cách tiếp cận mới, theo định hướng hành động và có sự tham gia để bảo vệ người lao động, cũng như tìm ra những giải pháp tiết kiệm chi phí để cải thiện điều kiện làm việc. Chúng tôi hy vọng sẽ có thể tiếp tục hợp tác với quý vị để mang lại những nơi làm việc an toàn và đảm bảo sức khỏe hơn tại Việt Nam.

Tôi tin rằng sự kiện ngày hôm nay là bước khởi đầu mới cho những nỗ lực nhằm bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người lao động, đồng thời thúc đẩy trách nhiệm xã hội doanh nghiệp tốt hơn tại Việt Nam.

Tôi chúc Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lần thứ nhất thành công tốt đẹp, chúc cho các nơi làm việc đều có năng suất cao hơn và an toàn cho cả người lao động và người sử dụng lao động.

Xin cảm ơn quý vị!
________________
Dự án được Bộ Lao động Hoa Kỳ tài trợ theo Thỏa thuận hợp tác số IL-26690-14-75-K-11. 100% kinh phí dự án do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ với tổng ngân sách là 11.443.156 đô la. Tài liệu này không nhất thiết phản ánh quan điểm hay các chính sách của Bộ Lao động Hoa Kỳ, hoặc những lần đề cập đến tên thương mại, sản phẩm thương mại hoặc các tổ chức không có nghĩa bao hàm sự chứng thực của Chính phủ Hoa Kỳ.