Tăng cường tiếp cận bảo hiểm thai sản cho phụ nữ Việt Nam

Mặc dù chế độ thai sản ở Việt Nam được coi là một trong những chế độ tốt nhất trong khu vực, các khoản trợ cấp này vẫn nằm ngoài tầm với đối với nhiều phụ nữ Việt Nam. Việc tăng cường tiếp cận bảo hiểm thai sản sẽ không những đảm bảo lợi ích cho phụ nữ và gia đình của họ mà còn thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp và xã hội.

Bài viết | Hanoi, Viet Nam | Ngày 17 tháng 5 năm 2023
Hương sắp xếp các hộp kem trong phòng lạnh. © ILO/Nguyễn Hải Đạt
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) – Mới 6:30 sáng, Hương, 36 tuổi bắt đầu công việc hàng ngày của mình bằng việc vào kho lạnh -20 độ để lấy kem ra sắp xếp vào các thùng xốp rồi chồng cô dùng xe tải chở đi giao cho các đại lý. Hai vợ chồng Hương có một cửa hàng tạp hoá nhỏ bán các đồ tiện lợi, cùng với nghề chuyên giao kem sỉ cho các cửa hàng bán lẻ khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.

Năm 2012, hai vợ chồng sinh con đầu tiên là bé trai. Hương chỉ nghỉ được khoảng một tháng và từ tháng thứ 2 quay trở lại làm việc bình thường. Hương chia sẻ: “Mẹ em bảo nghỉ ngơi thêm đi, nếu không kiêng thì về già sức khoẻ kém lắm”.

Hương biết đi làm thì sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ, nhưng Hương không có lựa chọn khác. Hương kể: “Hồi đó em có chị họ đi làm công nhân và cũng sinh con, nhưng chị ấy nghỉ đẻ vẫn có lương, còn em nghỉ thì con em đói luôn”.

Sau 1 năm thì Hương bắt đầu bị xoang mũi và dị ứng, bị hắt hơi và chảy nước mũi liên tục. Đó là kết quả của mỗi ngày 2h Hương đứng trong trong kho lạnh khi mới sinh con được hơn 1 tháng. Tệ hơn nữa là sau đó, Hương bị sảy thai 5 lần cho đến tận 2018 sau khi chữa chạy tốn kém thì mới sinh cháu thứ hai.

Hương chỉ là một ví dụ trong số hàng trăm nghìn phụ nữ Việt Nam mỗi năm khi sinh con không được hưởng chế độ trợ cấp bằng tiền mặt bù đắp cho phần thu nhập mất đi. Theo tiêu chuẩn lao động quốc tế, phụ nữ nghỉ việc trong thời gian nghỉ thai sản sẽ được hưởng trợ cấp tiền mặt không ít hơn 2/3 thu nhập trước đó trong thời gian tối thiểu 14 tuần để đảm bảo nghỉ ngơi và hồi phục đầy đủ cho người mẹ.

Ở Việt Nam, chế độ thai sản cho phép lao động nữ được nghỉ 6 tháng với mức trợ cấp bằng tiền hàng tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương của 6 tháng trước khi nghỉ thai sản. Mặc dù chế độ thai sản ở Việt Nam được coi là một trong những chế độ tốt nhất trong khu vực cả về thời gian và mức hưởng, nhưng phần lớn phụ nữ không được hưởng chế độ này.

Lý do chính là chế độ thai sản chỉ áp dụng đối với những người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trên thực tế, năm 2019, ILO ước tính chỉ có 30% tổng số phụ nữ trong lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc . Bên cạnh đó, không phải tất cả những phụ nữ đều tham gia lực lượng lao động nên mức độ bao phủ còn thấp hơn nữa và những người mẹ như Hương tiếp tục không thể tiếp cận được chế độ thai sản cần thiết.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cùng với các bên liên quan khác, đang vận động ủng hộ việc áp dụng chế độ thai sản đa tầng để việc hưởng chế độ thai sản trở thành quyền của tất cả phụ nữ ở Việt Nam, bất kể tình trạng việc làm của họ.

Các nghiên cứu đã cho thấy việc đảm bảo quyền lợi thai sản phổ cập có tác động rất nhỏ tới GDP của một quốc gia. Chi phí thực hiện chế độ thai sản cho phụ nữ không tham gia BHXH ước tính dưới 0,04% GDP năm 2020, giảm còn 0,02% GDP năm 2030.

Một chế độ thai sản đa tầng và phổ cập như vậy sẽ giúp những phụ nữ như Hương có thời gian chăm sóc bản thân và con nhỏ, ổn định việc làm vào bảo đảm thu nhập, đem lại những ý nghĩa quan trọng đến phúc lợi, vị thế kinh tế xã hội và nghề nghiệp của phụ nữ./.