#Phê chuẩn Công ước số 190

Hãy cùng tham gia chiến dịch toàn cầu của ILO kêu gọi phê chuẩn Công ước về Chấm dứt Bạo lực và Quấy rối

ILO kêu gọi công chúng cùng tham gia chiến dịch nâng cao nhận thức về bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc và khuyến khích chính phủ của họ phê chuẩn Công ước số 190 của ILO.

Thông cáo báo chí | Ngày 25 tháng 6 năm 2021
 
GENEVA – Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đang phát động chiến dịch toàn cầu nhằm thúc đẩy việc phê chuẩn và thực thi Công ước số 190 về chấm dứt bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc.

Mục tiêu của chiến dịch là nhằm giải thích nội dung Công ước về Chấm dứt Bạo lực và Quấy rối năm 2019 (Số 190), những vấn đề được đề cập trong công ước và cách thức mà công ước đưa ra để giải quyết vấn đề bạo lực và quấy rối trong thế giới việc làm bằng những thuật ngữ đơn giản.

Mọi người có thể tham gia bằng cách tải tài liệu từ trang ILO campaign hub và chia sẻ lại trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Chiến dịch toàn cầu này cũng hướng đến đối tượng là các chính phủ, các tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động, xã hội dân sự và các công ty thuộc khu vực tư nhân cũng như các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và các đối tác. Những người nổi tiếng cũng sẽ cùng tham gia, giúp truyền tải những thông điêp của chiến dịch.

Bạo lực và quấy rối trong lao động biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, gây tổn hại về thể chất, tâm lý, tình dục và kinh tế. Kể từ khi Công ước được thông qua, đại dịch COVID-19 lại càng nêu bật hơn nữa vấn đề này khi tình trạng bạo lực và quấy rối liên quan đến công việc dưới nhiều hình thức khác nhau đã được ghi nhận ở các nước từ khi đại dịch bùng phát, đặc biệt ảnh hưởng tới phụ nữ và các nhóm dễ bị tổn thương.

Cùng với Khuyến nghị kèm theo số 206, Công ước số 190 công nhận quyền của tất cả mọi người được làm việc trong một thế giới không có bạo lực và quấy rối và đề ra một khung hành động chung. Công ước này cũng đưa ra định nghĩa về bạo lực và quấy rối trong thế giới việc làm lần đầu tiên được toàn thế giới công nhận.

Đến nay đã có sáu nước phê chuẩn Công ước này, bao gồm Argentina, Ecuador, Fiji, Namibia, Somalia và Uruguay.