Ngày Quốc tế Người giúp việc gia đình

Được pháp luật lao động điều chỉnh, người lao động giúp việc gia đình Việt Nam cần sự bảo vệ trên thực tế

Đã mười năm kể từ khi công ước quốc tế được thông qua, lao động giúp việc gia đình trên thế giới vẫn đang phải đấu tranh để được công nhận là người lao động và là những người cung cấp dịch vụ thiết yếu. Mặc dù Việt Nam đã đạt được bước tiến nổi bật trong khu vực nhờ lao động giúp việc gia đình thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật lao động, nhưng thách thức mà Việt Nam hiện phải đối diện chính là việc tuân thủ pháp luật.

Thông cáo báo chí | Ngày 15 tháng 6 năm 2021
©ILO/Nguyen Viet Thanh
HÀ NỘI – Theo một báo cáo mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) được công bố ngày hôm nay, việc không thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật lao động quốc gia và tình trạng phi chính thức duy trì ở mức cao tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến điều kiện làm việc của lao động giúp việc gia đình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Báo cáo Biến việc làm thỏa đáng thành hiện thực cho lao động giúp việc gia đình: Tiến bộ và triển vọng tại châu Á và Thái Bình Dương sau mười năm kể từ khi Công ước về Lao động giúp việc gia đình, 2011, được thông qua nhấn mạnh phần lớn lao động giúp việc gia đình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (61,5%) hoàn toàn không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật lao động quốc gia trong khi 84,3% trong số họ vẫn làm các công việc phi chính thức.

Cần thiết phải khẩn trương chính thức hóa công việc giúp việc gia đình ở châu Á - Thái Bình Dương, bắt đầu từ việc đưa công việc giúp việc gia đình vào diện điều chỉnh của pháp luật lao động và an sinh xã hội nhằm đảm bảo đối tượng lao động quan trọng này được hưởng chế độ bảo vệ và sự tôn trọng mà họ xứng đáng được hưởng."

Bà Chihoko Asada Miyakawa, Giám đốc Văn phòng ILO khu vực châu Á và Thái Bình Dương
“Cần thiết phải khẩn trương chính thức hóa công việc giúp việc gia đình ở châu Á - Thái Bình Dương, bắt đầu từ việc đưa công việc giúp việc gia đình vào diện điều chỉnh của pháp luật lao động và an sinh xã hội nhằm đảm bảo đối tượng lao động quan trọng này được hưởng chế độ bảo vệ và sự tôn trọng mà họ xứng đáng được hưởng,” bà Chihoko Asada Miyakawa, Giám đốc Văn phòng ILO khu vực châu Á và Thái Bình Dương, cho biết

Philippines là nước duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã phê chuẩn Công ước về Lao động giúp việc gia đình sau mười năm kể từ khi Công ước này được thông qua.

Có khoảng 38,3 triệu lao động giúp việc gia đình từ 15 tuổi trở lên hiện làm việc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó 78,4% là nữ. Đây cũng là khu vực sử dụng nhiều lao động nam làm giúp việc gia đình nhất, chiếm 46,1% tỷ lệ lao động nam làm giúp việc gia đình trên toàn thế giới.

Dữ liệu sẵn có cho thấy phần lớn lao động giúp việc gia đình trong khu vực không được áp dụng bất cứ giới hạn nào về thời giờ làm việc (71%) hay được hưởng chế độ nghỉ hàng tuần (64%) theo quy định của pháp luật lao động hiện hành. Báo cáo cũng chỉ ra rằng lao động giúp việc gia đình thường là đối tượng được trả lương thấp nhất trên thị trường lao động, đặc biệt là khi họ làm việc trong khu vực phi chính thức.

Ước tính đại dịch COVID-10 có tác động lớn tới lao động giúp việc gia đình trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương do tình trạng phi chính thức duy trì ở mức cao và thiếu các chế độ bảo vệ được quy định trong luật pháp dẫn đến mất việc làm. Ước tính nguy cơ mất việc làm của họ cao gấp 2-3 lần so với các đối tượng lao động khác.

Việt Nam: từ được pháp luật bảo vệ tới tuân thủ pháp luật

Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trong khu vực đưa lao động giúp việc gia đình thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật lao động. Bộ luật Lao động 2019 và Nghị định số 145/2000/NĐ-CP đi kèm quy định lao động gia đình phải có hợp đồng bằng văn bản, đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định, trong đó có giới hạn về thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi.

Trong số các nước Đông Nam Á, chỉ có ở Việt Nam là lao động giúp việc gia đình được hưởng một mức lương tối thiểu ít nhất bằng mức lương tối thiểu dành cho các lao động khác.

Mặc dù Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể, trong đó bao gồm việc đưa người lao động giúp việc gia đình thuộc phạm vi bảo vệ của pháp luật lao động, nhưng thách thức gặp phải hiện nay làm thế nào để tăng cường tuân thủ luật pháp và thu hẹp khoảng cách giữa các biện pháp bảo vệ quy định trong luật và trải nghiệm thực tế của lao động giúp việc gia đình."

TS Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam
“Mặc dù Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể, trong đó bao gồm việc đưa người lao động giúp việc gia đình thuộc phạm vi bảo vệ của pháp luật lao động, nhưng thách thức gặp phải hiện nay làm thế nào để tăng cường tuân thủ luật pháp và thu hẹp khoảng cách giữa các biện pháp bảo vệ quy định trong luật và trải nghiệm thực tế của lao động giúp việc gia đình,” TS Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam, cho biết.

Cho tới năm 2026, Việt Nam dự kiến sẽ phê chuẩn Công ước về Lao động Giúp việc Gia đình của ILO (Công ước số 189).

Theo báo cáo mới của ILO, 19% lao động giúp việc gia đình ở Việt Nam làm việc thông qua các nhà cung cấp dịch vụ và số lượng lao động giúp việc gia đình di cư ra nước ngoài làm việc liên tục tăng trong thập kỷ qua.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 mới bùng phát, lao động giúp việc gia đình trở thành đối tượng dễ bị mất việc hơn nhiều so với các đối tượng lao động khác. So với quý IV năm 2019, tỷ lệ lao động giúp việc gia đình đã giảm 17% trong quý II năm 2020, trong khi đó, tỷ lệ mất việc của nhóm lao động làm thuê khác trong cùng giai đoạn chỉ là 6,1%.

Song song với việc một số lao động giúp việc gia đình bị mất việc làm, một số người khác bị giảm thời giờ làm việc. Cả hai tình trạng này đều dẫn tới sự sụt giảm đáng kể về tổng tiền lương nhận được. Trong quý II năm 2020, thời giờ làm việc của lao động giúp việc gia đình tại Việt Nam đã giảm 24,7% so với quý IV năm 2019. Do mất việc làm và thời giờ làm việc bị giảm, tiền lương mà lao động giúp việc gia đình ở Việt Nam nhận được đã giảm 26,2%.

Số liệu tổng quan của khu vực châu Á - Thái Bình Dương

  • Khu vực châu Á - Thái Bình Dương có 38,3 triệu lao động giúp việc gia đình, tương ứng với 50,6% lao động giúp việc gia đình trên toàn thế giới, và đây là khu vực sử dụng nhiều lao động giúp việc gia đình nhất trên toàn thế giới.
  • Trung Quốc chiếm phần lớn số lao động này (22 triệu). Một số nước khác cũng chiếm tỷ lệ đáng kể, trong đó có Ấn Độ (4,8 triệu), Philippines (2 triệu), Bangladesh (1,5 triệu) và Indonesia (1,2 triệu).
  • Công việc giúp việc gia đình tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương phần lớn do phụ nữ đảm nhiệm (78,4%), tuy vậy, đây cũng là khu vực sử dụng nhiều lao động nam làm giúp việc gia đình nhất, chiếm 46,1% tỷ lệ lao động nam làm giúp việc gia đình trên toàn thế giới.
  • Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vẫn còn 61,5% lao động giúp việc gia đình hoàn toàn không thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật lao động.
  • 84,3% lao động giúp việc gia đình của khu vực làm công việc phi chính thức, trong khi con số này ở các đối tượng lao động khác là 52,8%.
  • 64% lao động giúp việc gia đình tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương không được hưởng chế độ nghỉ hàng tuần.
  • Chỉ có 19% lao động giúp việc gia đình trong khu vực được hưởng chế độ nghỉ phép có hưởng lương như những lao động khác.
  • Hầu hết lao động giúp việc gia đình trong khu vực (71%) vẫn không được áp dụng quy định về mức trần thời giờ làm việc bình thường hàng tuần. Một nửa số lao động giúp việc gia đình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương phải làm việc hơn 48 giờ mỗi tuần. Con số này lên đến 58% đối với bộ phận lao động giúp việc gia đình làm những công việc phi chính thức.
  • So với lao động giúp việc gia đình toàn cầu, mức lương của lao động giúp việc gia đình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương ở mức cao nhất
  • Chỉ có 11% lao động giúp việc gia đình trong khu vực được hưởng mức lương tối thiểu giống như những lao động khác.
  • Xét trong khu vực nói riêng, bằng chứng thu được từ Philippines và Việt Nam chỉ ra rằng khả năng lao động giúp việc gia đình bị mất việc trong thời kỳ đại dịch cao hơn 2-3 lần so với các lao động khác.