Thông cáo báo chí

Cải cách bảo hiểm xã hội Việt Nam cần tiến hành từng bước và dựa trên bằng chứng

Thành công của việc mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế cho thấy nhiệm vụ mở rộng diện bao phủ của bảo hiểm xã hội là khả thi.

Thông cáo báo chí | Ngày 29 tháng 11 năm 2017
HÀ NỘI – Cải cách là một cấu phần bình thường trong vòng đời của tất cả các hệ thống an sinh xã hội trên thế giới, bởi vậy Việt Nam cần tiến hành cải cách tham số từng bước và dựa trên bằng chứng.

Tại hội thảo về “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội – kinh nghiệm quốc tế, khuyến nghị đối với Việt Nam” do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (TBLĐXH) phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức tại Hà Nội ngày 29/11/2017, các đại biểu thống nhất rằng cải cách chính sách bảo hiểm xã hội cần dựa trên nền tảng những kết quả đã đạt được.

Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết:

“Bảo hiểm xã hội được coi là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần quan trọng trong thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội với quan điểm tiếp cận bảo hiểm xã hội là quyền an sinh xã hội mang tính phổ quát, gắn với mục tiêu mở rộng phạm vi bao phủ toàn dân theo lộ trình phù hợp”.

Là một quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh và tỷ trọng lao động phi chính thức lớn, Việt Nam sẽ gặp phải nhiều thách thức khi xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung: “Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì chính sách bảo hiểm xã hội cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập”.

Diện bao phủ bảo hiểm xã hội còn thấp do mức độ tuân thủ chính sách và quy định về bảo hiểm xã hội bắt buộc còn yếu trong khu vực chính thức và tỷ lệ tham gia thấp trong khu vực phi chính thức. Hiện tại có từ 6-7 triệu người cao tuổi chưa có lương hưu.

Giám đốc ILO Việt Nam, TS Chang-Hee Lee, cho rằng: “Thách thức là làm thế nào có thể mở rộng độ bao phủ đến “nhóm ở giữa bị bỏ sót” – nhóm người không được tiếp cận cả với bảo hiểm xã hội và trợ giúp xã hội. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng đến tháng 9/2017 mới có hơn 14,6 triệu lao động tại Việt Nam tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội, chiếm khoảng một phần tư lực lượng lao động.”

Theo ông, để mở rộng bao phủ tới người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có hợp đồng ngắn hạn và những người làm việc không trên cơ sở quan hệ lao động đòi hỏi phải có sự đột phá về cách làm. Điều quan trọng là mở rộng bao phủ an sinh xã hội tới lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức để chính thức hóa và cải thiện điều kiện công việc của họ.

ILO khuyến nghị Việt Nam mở rộng an sinh xã hội cho những người trong khu vực phi chính thức thông qua kết hợp giữa chương trình có đóng góp và chương trình không dựa trên đóng góp nhằm hướng tới bao phủ an sinh xã hội toàn dân.

“Thành công của việc mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế cho thấy nhiệm vụ mở rộng diện bao phủ của bảo hiểm xã hội là có thể thực hiện được,” người đứng đầu ILO Việt Nam cho biết.

Quỹ hưu trí, tử tuất của Việt Nam cũng đứng trước nguy cơ khó cân đối trong tương lai gần. Một trong những nguyên nhân là tỷ lệ thay thế (hưởng) cao (tỷ lệ hưởng tối đa 75%) và tuổi nghỉ hưu thấp, gia tăng số lượng người nhận bảo hiểm xã hội một lần, số lượng người nghỉ hưu trước tuổi khá lớn do suy giảm khả năng lao động và các yếu tố đặc thù khác như ưa đãi ngành nghề.

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng: “Việc cải cách tham số nhằm hướng tới tương quan đóng- hưởng trong chính sách hưu trí đã được đặt ra trong quá trình hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm xã hội và gần đây nhất là Luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi năm 2014. Tuy nhiên, trước bối cảnh về già hóa dân số, sự chuyển dịch cơ cấu lao động, việc làm do tác động của yếu tố hội nhập kinh tế, biến đổi khí hậu và cách mạng công nghiệp 4.0 làm cho quỹ hưu trí vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ khó cân đối trong dài hạn.”

ILO khuyến nghị Việt Nam nên thực hiện cải cách tham số, bao gồm tăng tuổi nghỉ hưu và giảm tỷ lệ thay thế.

Giám đốc ILO Việt Nam cho rằng cần xây dựng một hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng dựa trên các kinh nghiệm tích cực từ mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế.

Ông cũng khẳng định “Dư địa tài khóa để mở rộng an sinh xã hội luôn tồn tại dù ở các quốc gia không có tiềm lực tài chính mạnh. Chính phủ Việt Nam cần khai thác mọi phương án tài chính để thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc làm bền vững và an sinh xã hội”

Ở Việt Nam, bảo hiểm xã hội là một trụ cột căn bản quan trọng của hệ thống an sinh xã hội, và quyền tiếp cận bảo hiểm xã hội là một quyền an sinh xã hội toàn dân được Hiến pháp ghi nhận.