ILO kêu gọi thế giới hành động đẩy lùi bệnh nghề nghiệp

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) kêu gọi một chiến dịch toàn cầu “cấp thiết và mạnh mẽ” nhằm đối phó với tình trạng gia tăng các bệnh nghề nghiệp, ước tính cướp đi sinh mạng khoảng 2 triệu người mỗi năm.

Thông cáo báo chí | Ngày 26 tháng 4 năm 2013
GENEVA – Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) kêu gọi một chiến dịch toàn cầu “cấp thiết và mạnh mẽ” nhằm đối phó với tình trạng gia tăng các bệnh nghề nghiệp, ước tính cướp đi sinh mạng khoảng 2 triệu người mỗi năm.

“Cái giá lớn nhất của bệnh nghề nghiệp chính là mạng sống con người. Bệnh nghề nghiệp làm bần cùng hóa người lao động và gia đình họ, ảnh hưởng lớn tới cả cộng đồng khi mất đi những lao động năng suất nhất,” Tổng Giám Đốc ILO Guy Ryder cho biết trong thông điệp gửi đi nhân ngày An Toàn và Sức Khỏe Lao Động Thế Giới.

“Trong khi đó, năng suất lao động của các doanh nghiệp giảm đi và gánh nặng tài chính cho nhà nước thì tăng lên do chi phí chăm sóc sức khỏe tăng. Ở những nơi hệ thống bảo trợ xã hội yếu hoặc không tồn tại, rất nhiều người lao động và gia đình họ không được hưởng trợ cấp và sự giúp đỡ cần thiết.”

Theo ông Ryder, phòng ngừa là chìa khóa giải quyết gánh nặng mà bệnh nghề nghiệp mang lại. Đó là biện pháp hiệu quả và và ít tốn kém hơn chi phí dành cho điều trị và phục hồi chức năng. Ông cho biết ILO đang kêu gọi xây dựng một “mô hình phòng ngừa toàn diện và thống nhất hướng tới các mục tiêu làm giảm bệnh nghề nghiệp, chứ không chỉ đối phó với các thương tật lao động”.

Ông cũng cho biết thêm: “Ghi nhận khuôn khổ các tiêu chuẩn lao động quốc tế của ILO nhằm phòng ngừa hiệu quả bệnh nghề nghiệp, thúc đẩy phê chuẩn và thực thi các tiêu chuẩn đó là một bước đi quan trọng.”

Brent Wilton, người đứng đầu Tổ chức Quốc tế của Người sử dụng Lao động (IOE), nhận định: “ILO ở vị trí quan trọng điều phối, đi đầu trong các nỗ lực giải quyết các thách thức về vệ sinh an toàn lao động thông qua việc cung cấp thông tin thiết thực, dễ tiếp cận trên các trang web cho các bên liên quan, các trung tâm điều trị và phòng ngừa bệnh nghề nghiệp, các tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động, tăng cường hoạt động của các nhà chức trách và thanh tra lao động.

“Các nước có thể chia xẻ kinh nghiệm, giúp nhau cùng chuẩn bị kỹ càng hơn để đối phó với các thách thức chung liên quan đến vệ sinh an toàn lao động.”

Sharan Burrow, Tổng thư ký Liên đoàn Công đoàn Quốc tế, cho biết: “Xã hội chúng ta không thể chấp nhận người lao động phải đánh đổi sức khỏe của họ để kiếm sống. Chúng ta cũng không được phép quên rằng bệnh nghề nghiệp tạo ra gánh nặng rất lớn cho gia đình và xã hội – một gánh nặng hoàn toàn có thể phòng tránh được.

“Nâng cao nhận thức của người lao động, với sự hỗ trợ của công đoàn, là nhiệm vụ quan trọng để phòng tránh thương vong. Bảo vệ người lao động, bao gồm việc tôn trọng các quyền của người lao động thông qua công đoàn, cũng như các chính sách và thực thi chính sách theo các tiêu chuẩn và hướng dẫn của ILO phải được mở rộng.”

Trong một báo cáo đưa ra nhân ngày An toàn và Sức khỏe Lao động Thế Giới, ILO cho biết mặc dù số người chết vì bệnh nghề nghiệp cao gấp sáu lần tai nạn lao động nhưng vấn đề bệnh nghề nghiệp lại không được chú trọng bằng.

Trong 2,34 triệu người chết mỗi năm liên quan tới lao động, có khoảng 2,02 triệu trường hợp có nguyên nhân từ bệnh nghề nghiệp. Con số này tương đương với khoảng 5.500 người chết mỗi ngày. ILO cũng ước tính có tới 160 triệu trường hợp mắc mới các bệnh không gây tử vong liên quan tới nghề nghiệp mỗi năm.

Những thay đổi về xã hội và công nghệ, cùng với tình hình kinh tế thế giới, đang làm trầm trọng thêm những rủi ro hiện tại đối với sức khỏe và tạo nên những hiểm họa mới. Những bệnh nghề nghiệp phổ biến, như bụi phổi silic hay những bệnh gây ra do hít phải amiăng, vẫn rất phổ biến, trong khi đó những bệnh mới xuất hiện như rối loạn tâm thần hoặc xương khớp, ngày càng gia tăng.

Bệnh nghề nghiệp tạo ra gánh nặng tài chính rất lớn cho người lao động, gia đình của họ, cũng như sự phát triển kinh tế xã hội. ILO ước tính tai nạn nghề nghiệp và các bệnh liên quan gây ra thiệt hại khoảng 4% GDP toàn cầu, tương đương với 2,8 nghìn tỷ USD mỗi năm.

Dữ liệu tốt đóng vai trò quan trọng, là nền tảng cho các chiến lược phòng ngừa hiệu quả. Tuy vậy, khoảng hơn một nửa các nước trên thế giới không có số liệu về bệnh nghề nghiệp. Chỉ một vài nước có cơ sở dữ liệu theo giới tính. Điều này không chỉ khiến việc xác định và phân loại các bệnh nghề nghiệp ảnh hướng tới nam giới và phụ nữ trở nên khó khăn, mà cũng cản trở việc đưa ra các biện pháp phòng ngừa tốt nhất.

Ông Ryder nhận định: “Giảm thiểu bệnh nghề nghiệp không đơn giản, không thể thực hiện trong một sớm một chiều, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể cải thiện dần. Chúng ta hãy, trong phạm vi trách nhiệm của mình, lên những mục tiêu rõ ràng về an toàn vệ sinh lao động và đưa ra một lộ trình cụ thể. Và quan trọng hơn nữa, chúng ta cần cùng nhau hành động một cách bền bỉ để khắc phục vấn nạn này và tạo ra những tiến bộ cụ thể, góp phần tạo việc làm bền vững.”

Bệnh nghề nghiệp gia tăng ở Việt Nam

Theo Bộ Y tế, bệnh nghề nghiệp ở Việt Nam, đặc biệt là các bệnh liên quan đến đường hô hấp và tiêu hóa, trong năm 2012 tăng so với năm 2011. Tính đến cuối năm 2012, theo báo cáo, gần 28.000 người lao động mắc mới bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao gấp 10 lần.
 
Tổng số 28 bệnh nghề nghiệp được đưa vào danh mục thanh toán báo hiểm y tế. Trong đó, bệnh bụi phổi là bệnh phổ biến nhất, chiếm tới 74% số ca, theo sau là điếc do tiếng ồn (17%).
 
Theo Bộ Y tế, trong năm 2012, gần 2 triệu người lao động – tức chỉ khoảng chưa đầy 4% lực lượng lao động có việc làm cả nước – được khám bệnh. Trong số đó, 7% có sức khỏe loại yếu.

Tổ chức ILO đang giúp Việt Nam phòng ngừa các nguy cơ bệnh nghề nghiệp bằng cách tăng cường công tác thanh tra, tự thanh tra và đào tạo về an toàn lao động trong các ngành có nguy cơ cao – xây dựng, khai thác mỏ và hóa chất – thông qua dự án “An toàn vệ sinh lao động trong các ngành có nguy cơ cao” do Chính phủ Nhật Bản tài trợ.