Thế giới có hơn 52 triệu lao động giúp việc gia đình, Việt Nam chưa có thống kê đầy đủ

Theo một báo cáo mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), hàng triệu lao động giúp việc gia đình trên thế giới không được hưởng những chính sách bảo vệ như những lao động khác. Trong khi đó, Việt Nam chưa có thống kê đầy đủ về nhóm lao động đang gia tăng trong lực lượng lao động này.

Thông cáo báo chí | Ngày 09 tháng 1 năm 2013
GENEVA – Ít nhất 52 triệu người trên thế giới – chủ yếu là phụ nữ – đang làm giúp việc gia đình, theo một nghiên cứu lần đầu được thực hiện của ILO.

Họ chiếm tới 7,5% lao động nữ được trả lương trên toàn thế giới và chiếm một bộ phận còn lớn hơn nhiều ở một số khu vực, đặc biệt là châu Á - Thái Bình Dương, châu Mỹ La tinh và vùng Caribbe.

Giai đoạn từ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước cho tới năm 2010 chứng kiến sự tăng trưởng hơn 19 triệu giúp việc gia đình trên thế giới. Nhiều lao động di cư sang các quốc gia khác để tìm việc. Nhiều khả năng số liệu đưa ra trong báo cáo này chưa thể hiện được số lao động giúp việc thực tế trên toàn cầu. Con số thực có thể nhiều hơn hàng triệu người.

Số liệu đồng thời không bao gồm lao động giúp việc gia đình là trẻ em dưới 15 tuổi do nhóm đối tượng này không thuộc các điều tra được báo cáo này sử dụng. ILO ước tính có khoảng 7.4 triệu giúp việc gia đình dưới 15 tuổi vào năm 2008.

Mặc dù đây là một nhóm lao động chiếm số lượng lớn, rất nhiều lao động giúp việc gia đình phải làm việc trong điều kiện không đảm bảo và không được pháp luật bảo vệ đầy đủ.

Bà Sandra Polaski, Phó Tổng Giám đốc ILO, cho biết: “Lao động giúp việc gia đình thường phải làm việc nhiều giờ hơn so với các lao động khác. Ở nhiều quốc gia, họ không được hưởng những quyền được nghỉ ngơi hàng tuần như các lao động bình thường. Ngoài những quyền lợi không được ghi nhận, mức độ phụ thuộc lớn vào người thuê lao động và bản chất biệt lập và không được bảo vệ của công việc giúp việc gia đình có thể khiến họ trở nên dễ bị bóc lột và lạm dụng.”

Lao động giúp việc gia đình – số liệu toàn cầu (2010)
  • 52.6 triệu lao động giúp việc gia đình trên thế giới
  • 83% là phụ nữ
  • 29,9% không thuộc sự điều chỉnh của pháp luật lao động của quốc gia
  • 45% không được nghỉ ngơi hàng tuần và không có ngày phép năm
  • Hơn 1/3 nữ lao động giúp việc gia đình không được nghỉ thai sản

Tiêu chuẩn quốc tế

Báo cáo Lao động giúp việc gia đình trên thế giới: Thống kê toàn cầu và khu vực và khía cạnh bảo vệ pháp lý, được thực hiện sau khi Công ước và Khuyến nghị về giúp việc gia đình của ILO được thông qua vào tháng 6/2011.
Những tiêu chuẩn quốc tế mới này nhằm đảm bảo điều kiện làm việc và thù lao cho lao động giúp việc gia đình trên thế giới. Cho đến nay, đã có 3 quốc gia trên thế giới phê chuẩn công ước này và nhiều quốc gia khác đang trong quá trình chuẩn bị phê chuẩn.

Kết quả của nghiên cứu này sẽ giúp đo lường những tiến bộ của các quốc gia trong việc tăng cường hệ thống pháp luật bảo vệ lao động giúp việc gia đình.

Dễ tổn thương

Chỉ 10% lao động giúp việc gia đình được điều chỉnh bởi pháp luật lao động như các lao động khác. Hơn một phần tư trong số họ hoàn toàn không được đả động tới trong pháp luật lao động của quốc gia.

Hơn một nửa lao động giúp việc gia đình không được quy định về thời gian làm việc trong luật quốc gia và khoảng 45% không được nghỉ ngơi hàng tuần. Chỉ hơn nửa trong số họ được quy định về lương tối thiểu như những lao động khác.

Việc thiếu sự bảo vệ về pháp luật càng khiến lao động giúp việc gia đình dễ bị tổn thương và họ khó tìm được giải pháp. Kết quả là họ thường bị trả lương thấp hơn những lao động làm việc trong các ngành nghề có thời gian làm việc tương đương.

Đối với những giúp việc gia đình là lao động nhập cư từ các quốc gia khác, quy định pháp lý không đầy đủ và kiến thức hạn chế về ngôn ngữ và pháp luật sở tại khiến họ đặc biệt dễ trở thành nạn nhân của các hành động lạm dụng như bạo lực về thể chất và tình dục, lạm dụng về tâm lý, không được trả lương, nợ lương và môi trường sống và làm việc không đảm bảo.

Bức tranh khu vực
  • Châu Á – Thái Bình Dương: 21,4 triệu
  • Mỹ La tinh và Caribe: 19,6 triệu
  • Châu Phi: 5,2 triệu
  • Các nước phát triển: 3,6 triệu
  • Trung Đông: 2,1 triệu

Lao động giúp việc gia đình sống tại gia đặc biệt dễ bị bóc lột bởi họ thường được trả tiền cố định theo tuần hoặc tháng bất kể số giờ làm việc. Trên thực tế, điều đó nghĩa là người giúp việc phải làm việc bất cứ lúc nào người thuê lao động cần.

“Mức chênh lệch lớn giữa lương và điều kiện làm việc của lao động giúp việc gia đình so với các lao động khác ở cùng một đất nước cho thấy các chính phủ, người sử dụng lao động và bản thân người lao động cần phải hành động ở cấp quốc gia để cải thiện môi trường và chế độ làm việc cho những lao động phải làm nhiều nhưng dễ bị tổn thương này,” bà Polaski cho biết.

Công ước 189 của ILO
Lao động giúp việc gia đình phải được hưởng những quyền cơ bản của người lao động như các lao động khác. Những quyền này bao gồm:
  • Thời gian làm việc hợp lý,
  • Được nghỉ ngơi tối thiểu 24 giờ liên tục trong một tuần,
  • Hạn chế trả lương bằng hiện vật,
  • Thông tin rõ ràng về điều khoản, điều kiện làm việc,
  • Tuân thủ các nguyên tắc và quyền cơ bản ở nơi làm việc, bao gồm quyền tự do thành lập và tham gia các hiệp hội và quyền thương lượng tập thể.

Việt Nam

Mặc dù Việt Nam không có số liệu chính thức về lao động giúp việc gia đình, thực tế cho thấy nhu cầu thuê người giúp việc tiếp tục tăng cùng với sự phát triển của tầng lớp trung lưu.

Một nghiên cứu do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và ILO thực hiện trong năm 2011 cho thấy 46% các hộ gia đình được khảo sát ở Hà Nội và TP HCM có người giúp việc và tỷ lệ này tăng hơn gấp đôi so với giai đoạn trước năm 2000.

Nữ giới chiếm tới 90,7% số giúp việc gia đình và phần lớn là lao động nhập cư từ nông thôn. Cả hai nhóm này đều dễ bị tổn thương, dễ trở thành nạn nhân của phân biệt đối xử, bóc lột và lạm dụng, bao gồm quấy rối tình dục.

Bộ Luật Lao động sửa đổi được thông qua vào tháng 6/2012 lần đầu tiên công nhận giúp việc gia đình là một nghề và dành 5 điều khoản cụ thể điều chỉnh loại hình lao động này. Đây là một sự đột phá bởi việc luật hóa vấn đề lao động giúp việc gia đình, giúp cải thiện điều kiện và chế độ làm việc, bình đẳng giới và bảo vệ những lao động dễ bị tổn thương này

Hoan nghênh Việt Nam đã có một bước khởi đầu tốt trong lĩnh vực này, ILO khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần có thêm thống kê và nghiên cứu tốt hơn về thực trạng của lao động giúp việc gia đình trong nước, đồng thời đưa ra những hướng dẫn thi hành cụ thể để có thể đưa luật vào cuộc sống.