Pháp luật lao động sửa đổi giúp cải thiện thị trường và quan hệ lao động

Sáng nay, tại Hà Nội, một cuộc hội nghị với tựa đề “Giới thiệu Bộ luật Lao Động và Luật Công Đoàn: Cơ hội và Thách thức” do Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức đã đem đến cho các đối tác xã hội và công chúng một cái nhìn toàn diện về những thay đổi quan trọng trong hai văn bản pháp luật này.

Thông cáo báo chí | Ngày 24 tháng 9 năm 2012

HÀ NỘI – Bộ luật lao động và Luật Công đoàn sửa đổi là công cụ quan trọng giúp Chính phủ Việt Nam vượt qua những thách thức trong quá trình phát triển với vị thế một quốc gia có thu nhập trung bình, nhưng làm thế nào để đưa các điều khoản này vào cuộc sống lại là một bài toán không kém phần hóc búa.

Sáng nay, tại Hà Nội, một cuộc hội nghị với tựa đề “Giới thiệu Bộ luật Lao Động và Luật Công Đoàn: Cơ hội và Thách thức” do Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức đã đem đến cho các đối tác xã hội và công chúng một cái nhìn toàn diện về những thay đổi quan trọng trong hai văn bản pháp luật này.

Phát biểu tại sự kiện này, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai, cho biết Bộ luật Lao động sửa đổi (có hiệu lực từ 1/5/2013) và Luật Công đoàn sửa đổi (có hiệu lực từ 1/1/2013) đã kịp thời điều chỉnh để phù hợp với thực tế thị trường lao động và quan hệ lao động hiện nay.

Theo Thứ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân, “các nội dung trong Bộ luật Lao động 2012 là một bước tiến mới trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, là công cụ quan trọng nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật lao động, hiệu quả quản lý nhà nước về lao động”.

Trong khi đó, Luật Công đoàn sửa đổi khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Công đoàn năm 1990, góp phần phát triển quan hệ lao động lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho biết.

Một trong những thay đổi chính ở hai văn bản pháp luật quan trọng này là Chính phủ phải đóng vai trò chủ động trong việc hỗ trợ quá trình thương lượng tập thể giữa người sử dụng lao động và công đoàn với tư cách là tổ chức đại diện thật sự cho người lao động.

Khi quá trình thương lượng tập thể thực sự diễn ra, hy vọng số cuộc đình công tự phát tại Việt Nam sẽ giảm dần, cho phép các bất đồng được giải quyết theo quy định của pháp luật. Điều này đồng thời sẽ có lợi cho doanh nghiệp, bao gồm các nhà đầu tư nước ngoài bởi quan hệ lao động ổn định là môi trường tốt để tăng năng suất lao động và khả năng dự báo. Năm 2011 ghi nhận 987 cuộc đình công, con số cao nhất trong lịch sử. Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm nay đã có tới 331 cuộc.

Các thay đổi quan trọng khác đối với quan hệ lao động bao gồm việc thành lập Hội đồng Tiền lương Quốc gia – một cơ cấu quan trọng xác định mức lương tối thiểu, ghi nhận việc thuê lại lao động như một hình thức lao động mới, và bảo vệ lao động bán thời gian và lao động gia đình.

Bộ luật Lao động sửa đổi đồng thời mở ra khả năng chính thức ghi nhận các mối quan hệ lao động thực tế giữa chủ lao động và người lao động bất kể hai bên có ký hợp đồng lao động hay không.

Với những thay đổi trong hai văn bản pháp luật này, Việt Nam cũng hy vọng sẽ giảm thiểu các hình thức cưỡng bức lao động, lao động trẻ em và đưa việc bảo vệ lao động chưa thành niên gần hơn với các tiêu chuẩn lao động quốc tế.

Giám đốc điều hành bộ phận Đối thoại Xã hội của ILO tại Geneva, Sandra Polaski, cho biết: “Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn sửa đổi sẽ đem lại cho Chính phủ Việt Nam và các đối tác xã hội những công cụ cần thiết để giải quyết những trở ngại quan trọng khi Việt Nam chuẩn bị bước sang nền kinh tế thị trường vào năm 2016. Tuy nhiên, một thách thức mới hiện nay lại chính là làm thế nào để đưa những thay đổi này vào thực tế một cách hiệu quả.”

Bà Trương Thị Mai cũng nhấn mạnh rằng: “Việc xây dựng quan hệ lao động theo hướng hài hòa, ổn định và tiến bộ còn là một quá trình đi liền với việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Ngoài ra, hiệu quả của Bộ luật lao động cũng còn phụ thuộc vào việc tổ chức thực hiện, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật lao động của các cơ quan Chính phủ và trách nhiệm thực thi pháp luật của các bên trong quan hệ lao động, đặc biệt là người lao động, người sử dụng lao động”.

Tổ chức ILO cam kết sẽ cung cấp những hỗ trợ kỹ thuật cần thiết để Việt Nam có thể đưa các văn bản luật này vào thực tế một cách hiệu quả.

Để biết thêm thông tin, xin vui lòng liên hệ:

Vụ các vấn đề xã hội (Văn phòng Quốc hội):

Ông Lâm Văn Đoan, Hàm Phó Vụ trưởng

Điện thoại: 080 46748

Email: doanlv@qh.gov.vn

Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam:
Bà Trần Quỳnh Hoa, Cán bộ truyền thông

Điện thoại: 04 3734 0902
Email: hoahancom@ilo.org