Câu chuyện dự án

Mở rộng sản xuất cho hợp tác xã nông nghiệp, tạo việc làm tại địa phương để giảm thiểu lao động trẻ em

Một Dự án phòng chống lao động trẻ em tại Việt Nam hỗ trợ phát triển sản xuất nước ép xoài cho hợp tác xã nông nghiệp, tạo sinh kế cho các gia đình tại địa phương có trẻ em là hoặc có nguy cơ trở thành lao động trẻ em.

Tài liệu dự án | Ngày 19 tháng 6 năm 2020
AN GIANG (Tin từ ILO) - Từ năm 2015, người nông dân giàu kinh nghiệm Trần Văn Ban đã điều hành một hợp tác xã nông nghiệp nhỏ cùng với 21 người dân cùng làng ở huyện Chợ Mới, An Giang. Năm ngoái, với sự hỗ trợ của ILO, hợp tác xã đã có một bước chuyển đổi ngoài dự kiến.

Hợp tác xã nông nghiệp, vốn chỉ chuyên canh lúa, giờ đã phát triển thành một liên doanh chế biến nước ép xoài có hiệu quả. Điều này được khởi xướng thông qua Dự án Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em tại Việt Nam (ENHANCE) của ILO do Bộ Lao động Hoa Kỳ tài trợ.

Hợp tác với Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Dịch vụ (CTTS) tại Đại học Cần Thơ và chính quyền địa phương, Dự án đang triển khai các hoạt động can thiệp sinh kế ở An Giang để tạo cơ hội thu nhập cho các hộ gia đình tại địa phương nhằm giảm thiểu nguy cơ lao động trẻ em.

Tăng cường sinh kế cho các gia đình dễ bị tổn thương là nhân tố quan trọng để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của vấn đề lao động trẻ em và là chiến lược phòng ngừa quan trọng được ILO thúc đẩy. Đối với các hộ gia đình gặp khó khăn về tài chính và thiếu sự bảo trợ xã hội, lao động trẻ em là vấn đề phổ biến làm cản trở trẻ em đến trường và học những kỹ năng cần thiết để có thể tiếp cận được những công việc tốt trong tương lai.

Dự án ENHANCE đang nỗ lực giải quyết vấn đề này tại An Giang thông qua việc thực hiện các mô hình sinh kế. Dựa trên những phát hiện từ việc phân tích chuỗi giá trị tại địa bàn dự án, các sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng mở rộng đã được xác định để xây dựng các hoạt động can thiệp phù hợp. Mục tiêu là tăng giá trị cho các loại nông sản của địa phương và tìm ra cách sử dụng có lợi cho các sản phẩm nông nghiệp dư thừa, tránh lãng phí hoặc phải bán nông sản với giá thấp.

Sự ra đời của cơ sở chế biến nước ép xoài ở Chợ Mới đã thu được những thành công đặc biệt, tạo cơ hội sinh kế bổ sung cho các hộ gia đình trong cộng đồng. Theo ông Ban, những cơ hội này đã mang lại lợi ích đặc biệt cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn có con đi làm. “Tôi hy vọng rằng các gia đình sẽ có thể nâng cao thu nhập của họ để họ có thể cho con mình được tiếp tục đi học”, ông Ban bày tỏ. “Cho đến nay, mười người dân địa phương có con là lao động trẻ em đã được thuê và chúng tôi hy vọng dần dần sẽ mở rộng hoạt động này cho các thành viên khác có nhu cầu trong cộng đồng”.

Sau tám tháng được hỗ trợ kỹ thuật từ CTTS, việc sản xuất nước ép xoài chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10 năm 2019 và đến cuối tháng 1 năm 2020, hợp tác xã đã được sản xuất và bán được 6.000 lon và 200 chai nước ép xoài.

Theo ông Ban, những hỗ trợ kỹ thuật do CTTS cung cấp là vô cùng quý giá và bền vững hơn nhiều so với việc chỉ hỗ trợ tài chính. Trong tám tháng vừa học vừa làm, các thành viên hợp tác xã đã nắm được các kỹ thuật xử lý sản phẩm và vận hành máy móc. Ông Ban hiện hoàn toàn tự tin rằng hợp tác xã sẽ có thể duy trì và mở rộng sản xuất một cách độc lập. Ngoài việc đào tạo về kỹ thuật sản xuất, CTTS cũng đã hỗ trợ tiếp thị cho hợp tác xã thông qua hỗ trợ đóng gói và quảng bá sản phẩm.

Ông Trần Văn Ban, người nông dân giàu kinh nghiệm, đã phát triển một liên doanh chế biến nước ép xoài tại An Giang.
Lạc quan về triển vọng mở rộng, ông Ban đang tiếp tục nghiên cứu việc chế biến thanh long trong tương lai và cũng mong muốn có thể bán sản phẩm ở các xã khác, với mục tiêu cuối cùng là sản phẩm sẽ xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Khi hợp tác xã tiếp tục phát triển và tạo ra nhiều việc làm hơn tại địa phương, hợp tác xã sẽ ưu tiên các gia đình có trẻ em lao động để đảm bảo rằng các bậc cha mẹ trong cộng đồng có thể đủ khả năng ưu tiên giáo dục cho con hơn là để trẻ phải đi làm việc kiếm sống.

Trẻ em được đi học là điều rất quan trọng vì trẻ em là tương lai. Khi cha mẹ có thu nhập cao hơn, và điều này là hoàn toàn có thể, con cái họ sẽ được tiếp tục học tập để có thể giúp đỡ gia đình mình và cộng đồng trong tương lai, ông Ban nhấn mạnh.